Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai thác mỏ đồng Sin Quyền-Lào Cai: Người dân mỏi mòn vì ô nhiễm

(14:24:35 PM 18/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Là địa phương tập trung nhiều loại khoáng sản gần như đứng đầu trong cả nước, khoáng sản là một lợi thế của tỉnh miền núi biên giới Lào Cai. Nhất là a-pa-tít, đồng, sắt có trữ lượng lớn, cho phép khai thác với quy mô công nghiệp trong thời gian dài. Nhưng vấn đề khai khoáng có đem lại lợi ích tương xứng cho cộng đồng, mặt khác có gắn với bảo vệ môi trường sinh thái hay không lại đang là câu hỏi “nhức nhối” hiện nay.

Ảnh minh họa IE

 

Trong đó việc khai thác và chế biến quặng đồng và khoáng sản đi kèm của Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát đã và đang gây bức bối cho người dân địa phương, hàng ngày hàng giờ phá nát cảnh quang và gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.


Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai: Mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng trên 100 triệu tấn quặng. Kể từ khi được cấp giấy phép khai khoáng (26/12/2001) cho đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng tổ hợp khai thác-tuyển-luyện đồng khép kín. Riêng Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền có công suất tuyển 1,2 triệu tấn quặng/năm, có khả năng làm giàu quặng từ 0,9% lên 24% để cung ứng chủ yếu cho Công ty luyện đồng Lào Cai đặt tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Theo thiết kế, nhà máy luyện đồng của Công ty này mỗi năm sản xuất tới 10.160 tấn đồng thương phẩm, 360 kg vàng (99,9% Au), 150 kg bạc (99,9% Ag), 41.000 tấn a-xít phốt-pho-rích và thu hồi ô-xy để sản xuất ô-xy hóa lỏng.


Rõ ràng, việc khai thác mỏ đồng Sin Quyền đã mang đến lợi nhuận kinh tế to lớn cho Vinacomin. Một lợi thế nữa là nơi khai thác quặng đồng tại xã Cốc Mỳ rất “đắc địa” bởi địa bàn đồi núi rộng lớn, nằm sát đầu nguồn sông Hồng, dân cư lại thưa thớt và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chất phác, đời sống kinh tế của họ còn rất nhiều khó khăn, nên họ nhanh chóng vô tư “thỏa hiệp” với doanh nghiệp khi phải dời bỏ quê cha đất tổ để nhường đất cho Vinacomin một cách thuận lợi, đồng thời hy vọng việc khai thác khoáng sản sẽ đem đến cho họ việc làm và cuộc sống tốt hơn.


Theo tinh thần của bản quy hoạch quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2020 của UBND tỉnh Lào Cai thì “hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn của tỉnh phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có khoáng sản”. Nhưng trên thực tế, kể từ khi Nhà máy tuyển đồng Sin Quyển đi vào hoạt động, người dân trong vùng khai khoáng đã không ít lần phải đội đơn kêu cứu lên các cơ quan công quyền từ xã đến tỉnh, thậm chí có lần dẫn đến xô xát với lực lượng chức năng. Nguyên nhân là do ngoài số tiền đền bù ít ỏi không giúp họ thoát nghèo, mà hàng ngày họ còn phải sống mỏi mòn trong bụi bặm cộng với tiếng mìn phá đá xé nát không gian, cùng 2 hồ thải của Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền nằm sát cạnh khu dân cư sặc sụa mùi tanh của đồng khi mưa xuống, nắng lên.


Trước những kiến nghị của người dân xã Cốc Mỳ về công tác giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư và tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, từ năm 2012 đến nay, UBND và các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn Cốc Mỳ kiểm tra, giải quyết những vấn đề này. Tuy vậy, những giải pháp mà tỉnh và huyện đưa ra vẫn không làm giảm sự bức xúc của người dân nơi đây.


Trung tuần tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp về khu vực mà Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền đang khai thác quặng đồng tại xã Cốc Mỳ. Đi sâu vào tỉnh lộ 156, cách trụ sở huyện Bát Xát khoảng 15km thì mọi sự vật đã biến đổi hoàn toàn. Đoạn đường chạy dọc theo khai trường bị băm nát còn trơ lại sỏi đá và mù mịt bụi đất nhuộm trắng mọi cảnh vật xung quanh. Sừng sững bên trái đường là dãy núi đất đá do khai thác quặng đồng thải ra cao ngút tầm mắt, như chỉ chực chờ đổ ụp xuống đầu.


Vào thăm gia đình ông Lý A Gạo ở thôn Bản Đơ, xã Bản Vượt nằm sát mép đường, cách bãi thải khoảng 50m và cách bờ sông Hồng dựng đứng khoảng 20m. Chẳng những ngôi nhà lụp xụp và những vật dụng của gia đình phủ dày bụi đất, mà con người ông từ chân đến đầu cũng bạc phơ vì bụi. Tiếp chuyện chúng tôi mà tay ông theo thói quen vẫn cầm giẻ lau bụi xung quanh. Ông Gạo buồn rầu cho biết: Trước năm 2003 gia đình ông ở thôn Bản Chí có đủ nhà, ruộng nước, nương, ao, chuồng tổng cộng 2ha. Sau khi nhường đất cho Công ty khai thác quặng đồng, gia đình ông được đền bù 50 triệu đồng và đến năm 2006 mới được phân khoảng 100m2 tái định cư nơi đây.


Điều may mắn nhất của gia đình ông Lý A Gạo là hiện vẫn còn 2ha đất đồi trồng sắn chưa bị thu hồi, nhờ đó vợ chồng ông và 3 con dù đã ra ở riêng nhưng không có đất sản xuất, nên họ cũng “ké” vào khu đất này kiếm sống lần hồi. Ngoài hứng chịu bụi và mùi quặng đồng tanh hôi hàng ngày, vợ chồng ông cứ vào tháng 5 và tháng 6 lại phải đi sơ tán vì sợ mưa to đề phòng cả dãy núi đất đá của bãi thải ụp xuống. Chẳng riêng gì gia đình ông Gạo, mà 12 hộ ở thôn tái định cư Bản Đơ cũng nằm trong “thảm cảnh” đó.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thường ở thôn tái định cư Minh Tân, xã Cốc Mỳ không dấu được sự bực bội. Chỉ tay ra mặt hồ bãi thải quặng đuôi thuộc đập hồ thải số 1 chỉ cách nhà ông khoảng 20m, ông Thường nói: “Trước năm 2007, khi Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền chưa biến nơi này thành hồ chứa thải, Toàn bộ diện tích là nơi chuyên canh lúa nước 2 vụ và 1 vụ rau màu, cây trái tươi tốt quang năm. Bây giờ trồng rau muống ven hồ cũng không sống nổi. Mùi tanh đồng đóng chặt cửa cũng ngửi thấy. Thế mà cơ quan chức năng bảo không ô nhiễm thì không biết nói thế nào?”


Kể về hành trình gian nan tái định cư của gia đình mình, chị Trần Thị Tuyết ở thôn tái định cư Minh Trang bức xúc: Năm 2000, hưởng ứng chủ trương của huyện về dãn dân ra biên giới, gia đình chị và 13 hộ đã chuyển đến định cư tại khu vực giáp ranh mỏ đồng Sin Quyền hiện nay. Đến năm 2008 phải chuyển về khu Đầm Lầy vì nằm trong khu quy hoạch khai thác quặng đồng. Tiếp đến lại phải rời vào khu tái định cư thôn Minh Trang. Gần đây nhất xã tổ chức họp dân yêu cầu lại chuyển tiếp, vì sắp tới Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền sẽ mở rộng diện tích khai thác quặng lên đến 500ha.


Do không có đất sản xuất, số thanh niên được tiếp nhận vào làm việc trong Công ty không đáng kể, số hộ nghèo của xã chiếm tới 40%, nên các tệ nạn xã hội gia tăng. Ngay cả nơi sản xuất của Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền được bảo vệ rất nghiêm ngặt, song tháng 7/2012 vẫn có 5 đối tượng người địa phương đột nhập vào tháo cả quả đối trọng của hệ thống sàng tuyển mang đi bán sắt vụn.


Theo báo cáo số 93 ngày 22/4/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai về đánh giá hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản mỏ đồng Sin Quyền ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cũng phải thừa nhận: “Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản mỏ đồng Sin Quyền không thể tránh khỏi ô nhiễm cục bộ; đặc biệt là phát sinh bụi trên đoạn đường 156 đã xuống cấp (vị trí cổng nhà máy và bãi thải phía Tây), nên trong quá trình vận chuyển và tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí”.


Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cũng đề nghị UBND huyện Bát Xát chỉ đạo xã Cốc Mỳ phối hợp với Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền trước mắt xây dựng phương án di chuyển, bố trí tái định cư theo giai đoạn phù hợp lộ trình dự án khai thác và chế biến đồng đối với 29 hộ dân ở khu tái định cư thôn Đoàn 5, thôn Minh Trang, trong đó có cả 7 hộ ngoài khu tái định cư để nhằm tạo vành đai an toàn về môi trường.


Nhưng theo lời ông Tẩn A Chỏm, Trưởng Công an xã Cốc Mỳ: Xã đang xúc tiến quy hoạch 20ha đất đồi gần trung tâm xã cho hơn 40 hộ tái định cư, song đây chỉ là đất ở, còn đất sản xuất thì “quỹ đất của xã không còn”? Còn xã và người dân được hưởng lợi ích gì về khai thác quặng đồng, ông Chỏm cho biết Công ty đã xây tặng xã 1 nhà công vụ mái bằng, hỗ trợ một số trang thiết bị làm việc và ngày lễ, tết đều có đến tặng quà!


Xác định công nghiệp khai khoáng là một thế mạnh, đóng vai trò mũi nhọn, làm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chiếm tới 34% GDP, Lào Cai đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai khoáng. Nhưng lợi ích của người dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản có được coi trọng hay không?. Thực tế cuộc sống những người dân thuộc khu khai thác mỏ đồng Sin Quyền đang mỏi mòn trong ô nhiễm, họ mong chờ được định canh định cư lâu dài để vươn lên thoát nghèo, cần được tỉnh Lào Cai sớm có biện pháp giải quyết thấu đáo.

(TTXVN)