Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Số lượng cá nước ngọt giảm nghiêm trọng

(17:43:12 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ) - Một nghiên cứu mới đây của Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng các loài cá nước ngọt đang sụt giảm nghiêm trọng, và những nỗ lực bảo tồn chưa được chú ý đúng mức ở các ao hồ, sông suối.

Những dữ liệu lịch sử

 

Vài thế kỷ trước, các sông hồ ở khắp nơi trên thế giới luôn đầy ắp những con cá lớn. Thậm chí lượng cá nước ngọt nhiều đến mức việc đánh bắt vô cùng dễ dàng và cá còn được dùng làm thức ăn cho gia súc ở các trang trại.

 

 

“Nhìn vào các tài liệu được lưu giữ trong lịch sử mới thấy lượng cá nước ngọt trước kia nhiều đến kinh ngạc và đặc biệt có những loài cá trọng lượng cực lớn”, nhà sinh thái học thủy ngư Kirk Winemiller cho biết.

 

Nghiên cứu các tài liệu lịch sử từ khoảng giữa thế kỷ 19 khi người Châu Âu đặt chân đến Australia và khoảng đầu thế kỷ 17 ở Bắc Mỹ, các nhà khoa học cũng không quá tập trung vào các con số hay phân tích các dữ liệu, mà chủ yếu họ nhắm đến việc xây dựng một bức tranh tổng thể về mạng lưới sông hồ trên thế giới vào thời kỳ đó. Nghiên cứu đã phát hiện ra các cá thể động vật nước ngọt đã thay đổi đáng kể trong những năm qua.

 

Năm 1620, thuyền trưởng John Smith viết rằng chuyến tàu hành hương của ông đến New England đánh bắt đủ cá tầm, cá hồi, cá chình và nhiều loài cá khác, chỉ trong một đêm đã đầy 12 thùng lớn – loại thùng có sức chứa 1.000 pound (tương đương 454kg) thuốc lá sợi.

 

Trong những năm 1700, các tư liệu của khách du lịch đã mô tả trữ lượng lớn các loài cá chó, cá trê và nhiều loài cá có vảy khác ở sông Ohio.

 

Năm 1804, Meriwether Lewis và William Clark nhắc đến dòng sông Columbia ở Tây Bắc Thái Bình Dương với cảnh tượng ngoạn mục, dày đặc cá hồi.

 

Trong khi đó ở Australia, các nhà thám hiểm đã đã đánh bắt được những con cá tuyết nặng gần 100kg, và nhiều loài cá khổng lồ khác, thậm chí là ở ngay lòng chảo Murray-Darling, nơi mà sự phát triển nông nghiệp đã làm mất đi nhiều loài cá và những con cá lớn giờ đây không còn tồn tại nữa.

 

Hậu quả nặng nề

 

Sự biến mất của hầu hết các loài cá nước ngọt có trọng lượng lớn trên thế giới, Winemiller cho rằng là hậu quả trực tiếp của việc đánh bắt quá mức. Ngày nay, một số ít những con cá sông lớn chỉ còn sống ở các vùng ít chịu ảnh hưởng của con người, chẳng hạn như ở Guiana Shield, Nam Mỹ.

 

“Con người chẳng bao giờ đánh giá đúng tác động của việc đánh bắt, phải hiểu rằng ngay cả khi việc đánh bắt có mức độ, với số lượng vừa phải cũng có những ảnh hưởng nhất định đến nguồn cá nước ngọt”. Winemiller nhấn mạnh rằng sự mất mát các loài cá lớn sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái. Và thực tế điều đó đã bắt đầu từ rất lâu rồi.

 

Trong một hoặc hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn và khôi phục các loài động vật biển, những loài vật từng một thời có số lượng lớn, đông đúc hơn hiện nay rất nhiều.

 

Nghiên cứu này cho thấy sông hồ cũng có thể là một nguồn lợi thủy sản lớn nếu được áp dụng các phương pháp bảo vệ tích cực, giống như việc thành lập các khu bảo tồn ngày càng phổ biến ở nhiều vùng biển hiện nay.

 

Mặc dù mọi người vẫn thường nghĩ sông hồ là những nguồn tài nguyên của địa phương nhưng việc bảo tồn môi trường nước ngọt cũng phải được đặt ra như một vấn đề toàn cầu, Zeb Hogan, một nhà bảo tồn sinh học thuộc Đại học Nevada, nhận định.

 

Cá tầm trắng ở sông Fraser, British Columbia (Canada) chẳng hạn, vẫn được coi là khỏe mạnh nhất trong số loài cá đó sống ở bất cứ đâu trên thế giới. Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy sông Fraser từng có trữ lượng loài cá này nhiều gấp 10 lần hiện nay.

 

“Tôi thấy chúng ta dường như đã bỏ lỡ việc bảo tồn đa dạng sinh học nước ngọt toàn cầu”, Hogan nói. “Mãi tới giờ chúng ta mới ý thức được rằng sự dồi dào của những loài cá nước ngọt lớn đang giảm đi nhanh chóng, chúng ta đang đặt ra mục tiêu để bảo tồn nhưng ở mức quá thấp, và chúng ta vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tuyệt giống của nhiều loài”.

 

Hồng Chuyên (theo Discovery)