Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Gắn bó với nghề làm thang
Nghề làm thang tre có ở nhiều nơi và người thợ ở mỗi nơi có những cách làm riêng. Với cách làm truyền thống, sau khi lựa chọn kỹ càng, cân đối nhau, cây tầm vông sẽ được phơi nắng rồi đem dựng thành thang. Gặp cây cong, người thợ sẽ đem hơ qua lửa để uốn, rồi đặt vào “chốt” nắn cho cây thẳng hơn. “Việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì tầm vông hơ qua lửa phải xoay đều tay, nhanh và liên tục. Nếu thời gian hơ lửa quá ngắn, cây chưa đủ độ dẻo sẽ khó uốn. Nếu hơ lửa quá lâu chúng rất dễ bị cháy đen, giòn và dễ gãy, gây nguy hiểm cho người dùng thang” - ông Trần Ngọc Chuyên (64 tuổi, thợ làm thang tre ở ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho hay.
Ông Trần Ngọc Chuyên có gần một đời gắn bó với nghề làm thang tre.
Biết làm thang tre từ thuở thiếu niên, giờ sắp đến tuổi “nghỉ hưu” nên ông Chuyên nắm vững kỹ thuật của nghề. Ông Chuyên cho biết, thang tre có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, có loại chỉ 2-3m dùng trong nhà, nhưng phổ biến nhất là 4-6m dùng trong ngành xây dựng. Thang được làm bằng thân tầm vông, hoặc tre già (tre đực). Theo ông Chuyên, muốn làm cây thang tốt, tầm vông làm thang phải đủ chắc, ruột đặc và càng nhiều mắc càng tốt. “Sau khi hơ lửa phải lấy nước xoa lên để giảm nóng, rồi mới đem uốn. Quan trọng nhất là khâu uốn, bởi nếu không quen tay thì cây có thể cong hơn, thậm chí gãy ngay lập tức. Nhưng bây giờ, người ta không làm theo cách của tôi nói nữa, vì tốn công lại khó thực hiện. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật trồng mới nên tầm vông hiện nay rất thẳng, mười cây như một. Chúng tôi chỉ việc nhập hàng về rồi ghép lại, không phải uốn” - ông Chuyên tỏ bày.
Nói xong, người thợ già bắt đầu soạn đồ nghề tiến hành dựng thân thang. Qua bàn tay khéo léo của ông, chỉ trong vài giờ, hai cây tầm vông thẳng thớm đã trở thành chiếc thang chắc chắn. Chiếc máy khoan loại mini đang khoét vào thân cây tạo thành những chiếc lỗ để nấc thang phát ra riếng kêu rì rì thì bỗng dừng lại vì mất điện. Tưởng phải bỏ dở công việc, nhưng ông Chuyên kịp lấy ra bộ chui, đục gắn bó với nghề làm thang tre cả mấy chục năm nay để tiếp tục công việc. “Ngày xưa toàn dùng mấy thứ này, làm gì có máy khoan, máy tiện hiện đại như bây giờ” - ông Chuyên nói.
Anh Trần Văn Mỹ, thợ làm thang tre chuyên nghiệp ở xã Suối Trầu (huyện Long Thành), cho biết mỗi ngày anh có thể làm từ 10-15 chiếc thang. Sau khi đo đủ chiều dài phần thân, anh cưa ngọn tầm vông thành từng đoạn chừng 20-30cm để làm nấc thang. Nhanh nhẹn chèn nấc thang vào thân tầm vông, anh Mỹ giải thích cho chúng tôi: “Phải đục lỗ ngay trên mắc tầm vông để hạn chế thang bị nứt, dẫn đến bị toạc dài. Với chiều dài 5m, mình phải đục từ 15-20 lỗ, mỗi lỗ cách nhau 20cm là thích hợp nhất”.
Ghé thăm nhà anh Mỹ dịp này, chúng tôi thấy toàn bộ sân nhà anh đều chứa thang tre. Đơn hàng cuối năm ngày một nhiều, đây là cơ hội tốt để anh có thêm thu nhập. “Hàng làm ra tôi bán cho các cửa hàng ở Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh… Xung quanh nhà, gần 3 sào đất đồi được tôi tận dụng trồng cây tầm vông, thứ nguyên liệu quan trọng để làm ra những chiếc thang tre. Tôi trồng tầm vông để phục vụ việc sản xuất thang, không phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn hàng, giảm được một ít chi phí vận chuyển…” - anh Mỹ tâm sự.
“Phố” thang tre
Không chỉ bày bán các loại tủ, bàn, ghế…, một số cửa tiệm nằm cạnh quốc lộ 1, đoạn qua phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), được biết đến như một địa chỉ chuyên bán thang tre. Nó khác hoàn toàn với những cửa hàng trang hoàng lộng lẫy bán những vật dụng đắt tiền khác ở cạnh đó.
Bà Nguyễn Thị Thiết (61 tuổi), chủ một tiệm bán thang tre, cho biết: “Chúng tôi chọn vị trí này kinh doanh để tiện cho việc bốc dỡ. Lúc đầu, tôi chỉ bán tre và tầm vông, về sau bán thêm thang tre. Gia đình tôi làm nghề này đã được mấy chục năm. Ngày trước, nghề này làm ăn có lời lắm, bởi khách hàng chủ yếu là các công trường xây dựng. Bây giờ, họ dùng giàn giáo bằng sắt thép, nên thang tre bán chậm hơn”.
“Phố” bán thang tre, mang vẻ đẹp rất riêng ở phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa).
Bà Thiết kể thêm, khu vực này là trung tâm bán thang tre của Biên Hòa. Khoảng 10 cửa tiệm nằm san sát nhau, tạo thành những “bức tường” tầm vông cao vun vút, ngả một màu vàng óng nhìn rất đẹp. Khách hàng ở các huyện lân cận, như: Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu… đều tìm đến hỏi mua. Cửa hàng của bà ít bán lẻ, chủ yếu bán sỉ với số lượng lớn. “Thang bán theo mét, mỗi mét bán giá 60 ngàn đồng, tính ra thang loại tốt giá gần 300 ngàn đồng/cái. Ngoài ra, chúng tôi còn bán điếu cày, gậy cho người già, cây sào, cán cuốc làm từ cây tầm vông, tre… với giá 50 ngàn đồng/cây” - bà Thiết tâm sự.
“Cứ vào những ngày cuối năm, “phố” thang tre lại tấp nập khách ra vào. Họ đến đây mua thang, sào về chuẩn bị vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới. Cả năm chỉ có dịp này là đông khách nhất, chứ ngày thường ít người mua lắm” - chị Đỗ Thị Ngọc, người bán thang tre, cho hay.
Theo chị Ngọc, khu vực này được xem là nơi bán buôn bình dân nhất của TP.Biên Hòa, cửa tiệm nằm lặng lẽ tạo thành một vẻ đẹp rất riêng. Bởi người bán cũng như người mua đều chọn những vật dụng rẻ tiền, quen thuộc với cuộc sống của mỗi gia đình Việt. Chỉ tay vào những chiếc thang, sào tre nằm san sát nhau bên bờ tường nhà mình, chị Ngọc tâm sự: “Buôn bán không lời nhiều, nhưng tôi và các cửa tiệm xung quanh vẫn giữ nghề với mặt hàng dung dị khiến những ai nhìn vào đều thấy mát mẻ, trầm lặng giữa cuộc sống hối hả của phố phường”.