Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đồng bào Mông ở Bản Mù - Yên Bái cùng chờ đón Tết Nguyên đán

(08:33:50 AM 16/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014 đang đến gần, thay vì chuẩn bị cho một cái Tết sớm và kéo dài cả tháng theo phong tục truyền thống, năm nay, người Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn đang tập trung làm đất phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2014 với quyết tâm mới, niềm tin mới và cùng hòa vui đón Xuân mới Giáp Ngọ với đồng bào cả nước.

 

Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)

 

Theo chân ông Sùng Giàng Tống, người có uy tín nhất ở thôn Tà Ghênh, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trong một ngày giá rét ở vùng cao này, mới hiểu và chia sẻ trước những thiếu thốn của bà con địa phương. Khó khăn là vậy, nhưng có sự thay đổi lớn so với trước đây là người Mông Bản Mù đã quen dần với việc chung vui một Tết cùng các dân tộc anh em khác ở Yên Bái. 


Bên bếp lửa hồng, ông Tống kể lại: Trước đây, người Mông dùng lịch mặt trăng (âm lịch) nhưng cách tính của người Mông có sự xê dịch so với lịch của người Kinh là không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết của một năm. Như vậy, với năm nhuận của âm lịch theo cách tính của người Kinh thì Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán hàng tháng trời. Theo cách tính của người Mông, cuối tháng con bò (tương ứng với tháng 11 âm lịch của người Kinh) hoặc đầu tháng con hổ (tháng 12 âm lịch) là các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Đó là khi mùa màng xong xuôi, ngô lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò ngựa, Tết truyền thống của người Mông kéo dài từ rằm tháng cuối cùng của năm trước tới rằm tháng đầu tiên của năm mới. Việc ăn Tết cổ truyền của người Mông mang nặng tính cộng đồng, dòng họ, gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ mang tính nội tộc là chủ yếu. Vì vậy, không phải ai cũng được mời đến ăn Tết hoặc tự tiện đến chúc Tết gia đình họ. Tết là dịp những người cùng dòng máu, ruột thịt, cùng dòng họ về gặp nhau nhận họ, ăn uống, chúc tụng... 


Không rõ từ bao giờ, năm nào cũng vậy, đối với người Mông nơi đây đã ăn Tết thì phải kéo dài gần một tháng trời, vừa không có thời gian để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình mà lại lãng phí, tốn kém… Nhưng từ năm ngoái, khi được vận động ăn chung một Tết Nguyên đán, mọi người trong thôn bản đã nghe theo, nhà nào cũng hưởng ứng. Bà con đã dành thời gian dịp này tập trung cho sản xuất, trồng ngô, trồng lúa. Người Mông ở Bản Mù đã hiểu “no cái bụng rồi thì ăn Tết mới vui", ông Sùng Giàng Tống cho biết thêm. 


Năm 2012, thực hiện việc vận động đồng bào Mông cùng ăn chung một Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành của huyện Trạm Tấu đã có sự vào cuộc tích cực và xem đây như một cuộc cách mạng nhằm làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ đã ăn sâu từ bao đời nay về thời gian đón Tết của đồng bào Mông. Trước tiên, UBND huyện tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để họ vận động anh em, họ hàng, con cháu trong gia đình không tổ chức đón Tết sớm như trước kia nữa; đồng thời cử cán bộ đến tận từng gia đình để vận động thực hiện chủ trương này. Đến nay, cuộc vận động bước đầu đã đem lại thành công, ăn chung Tết Nguyên đán năm nay có lẽ không còn xa lạ với đồng bào Mông ở vùng cao Trạm Tấu. 


Bản Mù có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 8 thôn, bản với gần 5.000 nhân khẩu. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Bản Mù đã đoàn kết, phát huy nội lực, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2005, toàn xã có 80 ha lúa xuân, 126 ha lúa mùa, năng suất đạt xấp xỉ 40 tạ/ha... thì đến nay, Bản Mù có trên 160 ha lúa xuân và 270 ha lúa mùa, năng suất đạt trên 44 tạ/ha. Bà con đã mở rộng diện tích ngô hai vụ từ 186 ha lên 190 ha. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt trên 2.400 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 498kg/người, tăng 112kg/người so với đầu nhiệm kỳ này. Qua đó, xã đã từng bước đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Ngoài ra, diện tích gieo trồng các loại cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản khác cũng cho năng suất cao. Kết quả này có phần đóng góp hiệu quả từ việc vận động người Mông ăn chung một Tết Nguyên đán. 


Nói về vấn đề ăn chung một Tết, ông Giàng A Phông - Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, cho biết: Năm ngoái, khi cấp ủy, chính quyền cùng với các ban, ngành tập trung vào cuộc để vận động đồng bào cùng ăn chung một Tết, lúc đầu cũng gặp khó khăn. Nhưng "mưa dầm thấm lâu" lại được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và một số già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín, giờ đây, người Mông ở Bản Mù đã hiểu được ý nghĩa và lợi ích thiết thực đem lại từ việc ăn chung một Tết Nguyên đán. 


Bản Mù hiện được đánh giá là điển hình của huyện vùng cao Trạm Tấu trong vận động người Mông ăn chung một Tết, không tổ chức tốn kém, lãng phí, lại có thêm thời gian dành cho sản xuất. Hi vọng rằng, những năm tiếp theo, với sự đồng thuận cao của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, việc ăn Tết cùng vào dịp Tết Nguyên đán với các dân tộc khác trên địa bàn sẽ trở thành nét văn hóa mới của đồng bào Mông ở Bản Mù nói riêng và miền núi Tây Bắc nói chung.

Tuấn Anh