Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tôm thể chân trắng đang "bơ vơ"

(17:43:06 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ)-Tôm thể chân trắng là một đối tượng nuôi mới được tỉnh Bạc Liêu khuyến khích nông dân đưa vào sản xuất nhằm từng bước đa dạng hoá cây trồng vật nuôi trên cùng một diện tích đất canh tác. Theo quy hoạch, đến năm 2010 tỉnh Bạc Liêu khoanh nuôi khoảng 10.000 ha nhưng đã qua hai vụ nuôi, số hộ nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay


tom the chan trang


Diện tích nuôi Tôm thể chân trắng (TCT) trên toàn tỉnh hiện nay chỉ khoảng 250 ha. Phần lớn diện tích nuôi chủ yếu tại các công ty nuôi trồng thuỷ sản, còn nuôi trong dân thì rất ít, vì họ đã cảnh giác, sợ vướng vào “vết xe đổ” của con tôm sú trước đây bởi các điều kiện cần thiết (vốn, khoa học kỹ thuật, giống...) vượt quá tầm tay nông dân tỉnh này.



Trước đó, theo quy hoạch của Sở  Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2010 tỉnh Bạc Liêu khoanh nuôi khoảng 10.000 ha tôm TCT, tập trung chủ yếu ở ba huyện ven biển Hoà Bình, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu.

 

Tuy mang tiếng là đối tượng nuôi mới nhưng thực ra, ngay từ những 2001-2002, Công ty nuôi trồng thuỷ sản Duyên Hải (thị xã Bạc Liêu) 100% vốn nước ngoài, được Bộ Thuỷ sản (cũ) cho phép nuôi thử nghiệm tôm TCT.

 

Công ty này đã lên kế hoạch ương giống tại chỗ, xây dựng trại giống, vùng nuôi và kết hợp với công ty chế biến thuỷ sản bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nuôi... Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, người nuôi tôm TCT không có lãi do giá tôm thấp, trong khi đó chi phí sản xuất quá cao.



Ông Nguyễn Lâm Thanh, xã Hưng Thành (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) ngao ngán, cho biết, ông đầu tư thả nuôi 2 ha tôm TCT, nhưng đến khi thu hoạch thì lỗ nặng, vì chi phí đầu tư quá cao trong khi đó giá tôm TCT nguyên liệu trên thị trường quá thấp. Công ty Duyên Hải cũng không thành công với mô hình này. Toàn bộ ao nuôi tôm của công ty này chuyển sảng nuôi tôm sú. Và dự án nuôi tôm thể TCT đầu tiên tại Bạc Liêu bị “phá sản” .



Tuy đã qua vài vụ nuôi thử tôm TCT tại Bạc Liêu, người nuôi trúng có, thất có nhưng vẫn chưa ai khẳng định liệu con tôm TCT có thể thay thế được con tôm sú hay không?. Đa dạng đối tượng nuôi là một trong những cách để thay đổi diện mạo sản xuất trên duy trì tính hiệu quả kinh tế ngang bằng hoặc hơn đối tượng cũ.

 

Qua quá trình sản xuất, người dân tự so sánh hiệu quả giữa tôm TCT và tôm sú, rằng chi phí đầu tư nuôi tôm TCT cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm sú, chỉ riêng khâu trải bạt ao tôm gần 300 triệu đồng/ha, ngoài ra còn phải đầu tư hệ thống tạo oxy và nhiều chi phí khác... cao gấp nhiều lần so với đầu tư nuôi tôm sú.


Ông Võ Hồng Ngoãn (thị xã Bạc Liêu)- người được mệnh danh “vua tôm” ở Bạc Liêu cũng không mặn mà với con tôm TCT. Theo ông Ngoãn, loại tôm này tuy có nhiều cái lợi, nhưng nếu nuôi không đúng quy trình, quy định thì sẽ ảnh hưởng xấu đến các vùng nuôi tôm sú. Ngoài việc mắc các bệnh giống như tôm sú, tôm TCT còn bị các bệnh khác không có thuốc đặc trị và rất dễ lây lan.



Theo các chuyên gia nuôi tôm nhận định, mô hình nuôi tôm TCT chỉ phù phợp với một số người có vốn lớn, còn việc áp dụng nuôi đại trà trong dân, đặc biệt là những hộ có diện tích sản xuất nhỏ, ít vốn thì khó thực hiện và không mang lại hiệu quả.

 

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản, cho biết, hiện tại vẫn chưa có kết quả đánh giá cụ thể về mô hình này. Nhưng mô hình phù hợp đối với vùng đất này, đặc biệt là dân ít vốn, khoa học kỹ thuật thấp như Bạc Liêu thì áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm kết hợp với nhiều loại thuỷ sản khác là hiệu quả và bền vững nhất.

Huỳnh Sử