Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát hiện quần thể loài dơi ngựa lớn nhất Việt Nam

(17:43:05 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ)-Các nhà nghiên cứu về động vật hoang dã vừa phát hiện một quần thể dơi ngựa (pteroqus spp) lớn nhất Việt Nam tại Vườn Quốc gia Phú Quốc. Việc ghi nhận mới này nằm trong chương trình hợp tác giữa tổ chức Wildlife At Risk-WAR (Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã) tại Việt Nam và Vườn Quốc gia Phú Quốc thực hiện.

Ước tính sơ bộ có khoảng 1.500 cá thể, di chuyển nơi cư ngụ tại một trong ba địa điểm thuộc rừng tràm ngập nước tại xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).


doi ngua lon

 

Dơi ngựa lớn



Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Điều hành WAR tại Việt Nam, các loài dơi ngựa thuộc quần thể này đã được nhận dạng, bao gồm các loài dơi ngựa lớn (Pteropus vampyrus), dơi ngựa bé (Pteropus cf hypomelanus) và dơi ngựa Thái Lan (Pteropus lylei).

 

Đặc biệt, Dơi ngựa lớn (Pteropus vampyrus) thuộc họ dơi quả (Pteropodidae). Đây là loài dơi lớn nhất thế giới với sải cánh có thể dài tới 1,5m. Chúng ăn hoa quả và mật hoa, giúp thụ phấn và phát tán hạt giống cho những cánh rừng mưa nhiệt đới.

 

Dơi ngựa lớn có thể bay đến 60km một đêm để tìm thức ăn trước khi quay về nơi ẩn náu. Cũng như nhiều loài thuộc họ dơi quả, chúng bị săn bắn để làm thức ăn, chế biến thuốc, và đôi khi cả thú tiêu khiển tại các nước ở Đông Nam Á.

 

Thêm vào đó là sự xâm lấn của con người làm mất môi trường sống, số lượng dơi ngựa lớn còn lại trong tự nhiên không nhiều.

 

Tại một bán đảo thuộc Malaysia, chỉ riêng số lượng cá thể loài này bị săn bắn hợp pháp đã lên tới 22.000 con. Cộng thêm số lượng suy giảm do bị săn bắt trái phép, loài dơi ngựa lớn nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi ngôi nhà tự nhiên của chúng.


Hiện tại, loài dơi này chỉ có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Do đặc điểm kiếm ăn tại các vườn cây ăn trái trong vùng bán kính 10-15km nên loài dơi này bị đe doạ bởi các hoạt động săn bắt trái phép.

 

Các chuyên gia nghiên cứu về dơi đang đề xuất đưa loài dơi này vào Sách đỏ Việt Nam và danh mục các loài được bảo vệ theo Nghị định 32/2006 của Chính phủ.

Hoafng Vân