Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghiên cứu mô hình sản xuất điện từ rác

(15:05:45 PM 11/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm “Công nghệ xử lý rác thải kết hợp phát điện cơ hội và triển vọng hợp tác” với sự tham dự của các bộ, ngành cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đến từ các công ty hàng đầu về công nghệ xử lý rác thải và sản xuất điện.

Rác thải điện tử- Ảnh minh họa IE



Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, cho biết: Mặc dù thời gian qua, tốc độ phát triển điện của Việt Nam luôn cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc tìm ra các nguồn năng lượng mới để phát triển điện đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng sạch, tái tạo giúp bảo vệ môi trường. Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Chính vì vậy, tọa đàm là cơ hội tốt để các cơ quan hữu quan của Việt Nam xem xét, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước cho việc áp dụng công nghệ này vào việc phát triển điện và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2025, có xét đến năm 2030, nhu cầu điện của nước ta đến năm 2015 vào khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ Kwh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh.

Ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ecoteach, một trong những đơn vị đang theo đuổi công nghệ xử lý rác thải kết hợp phát điện, tính toán: Trong giai đoạn 2015 - 2020, với lượng rác trung bình thải ra của các thành phố lớn như Hà Nội (7.000 - 8.000 tấn/ngày); Tp. Hồ Chí Minh (10.000 - 12.000 tấn/ ngày; Hải Phòng và Đồng Nai (5.000 - 6.000 tấn/ngày).. là nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định cho các nhà máy rác - điện công suất 500 tấn/ngày (8 MW) tương đương sản lượng gần 350 MW điện được sản xuất từ rác.

Theo đánh giá, việc đầu tư sản xuất điện từ rác thành công sẽ góp phần đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển điện tại Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, đó là: Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung và Nam, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện miền. Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; sử dụng công nghệ hiện đại đối với các nhà máy điện mới; đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế...

Trên thế giới, mô hình sản xuất điện từ rác đã được áp dụng tại nhiều nước, trong đó phải kể đến Đan Mạch có tỷ lệ trên đầu người cao nhất châu Âu về sản lượng của điện năng và nhiệt điện từ các nhà máy sản xuất năng lượng từ rác (EFW). Với 30 nhà máy EFW đã sử dụng khoảng 3,5 triệu tấn rác/năm.

Ông Lê Anh Tùng cho biết, rác thải cũng là tài nguyên. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo này. Vì vậy, mô hình biến rác thành điện nếu được triển khai chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.

Quang Toàn -TTXVN