Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thiên tai ở Việt Nam rất đa dạng: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, động đất, hạn hán,.. Thiệt hại do thiên tai ở nước ta thuộc loại lớn trên thế giới, không chỉ về tính mạng (~500 người chết / năm) và tài sản (~1,2% GDP cả nước), mà còn triệt phá cả cơ hội phát triển tại những vùng đất mà nó đi qua - đặc biệt là dải đất miền Trung khắc khổ. Hàng ngàn gia đình nhiều năm liên tiếp bị ảnh hưởng của bão lụt, không hoát cảnh đói nghèo.
Thực tế đó thôi thúc một nhóm kiến trúc sư thiết kế nghiên cứu một giải pháp không gian hữu dụng - trước là đảm bảo chỗ ở (house), rồi sau sẽ trở thành tổ ấm (home) - cho hàng triệu đồng bào đang phải gồng mình vật lộn với thiên tai lũ lụt năm này qua năm khác.
Không gian này có thể sử dụng cho nhiều mục đích (làm nhà ở, lớp học, trạm xá,..), có thể đóng/ mở ở bên trong cũng như bên ngoài một cách linh hoạt khi cần, và có khả năng phát triển mở rộng thêm theo nhu cầu của cuộc sống.
Ngôi nhà được thiết kế cho người sống ở vùng thiên tai. Ảnh: Đoàn Thanh Hà.
Từ những thanh tre (đường kính 8 - 10cm và 4 - 5cm) được mô-đun hóa (3,3m x 3,3m) từng ngôi nhà được lắp dựng theo cách đơn giản quen thuộc với người dân quê như chốt, buộc, treo, gác,..
Kiến trúc được neo, giằng, liền khối, đủ sức để có thể “sống tốt” cùng thiên tai, vượt mực nước lũ cao 1,5m. Công trình không dùng đến móng xây mà chỉ chạm nhẹ vào mặt đất với hệ khung giằng chéo giữ ổn định và nâng sàn cao 1,5m để tránh lũ.
Người dân sẽ hoàn thiện bao che cho ngôi nhà tùy theo khí hậu và vật liệu tự nhiên sẵn có tại chỗ (trúc 4 - 5cm, phên nứa, cót ép, lá dừa,..), phù hợp với khả năng thu nhập và tạo nên đặc trưng kiến trúc của địa phương. Giải pháp này không chỉ đáp ứng được yêu cầu về công năng mà cả những yêu cầu về bền vững, kinh tế và thẩm mỹ.
Mặt bằng ngôi nhà 4 mô đun hoàn toàn bằng tre này có đầy đủ công năng cần thiết cho một gia đình 6 người: phòng khách, bếp, khu vệ sinh, giặt phơi, phòng học, không gian thờ tự và nơi ngủ / nghỉ.
Hệ thống bể lọc, xử lý nước bên dưới nền nhà để tận dụng nguồn nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt – trước hết là có một lượng nước sạch trong nhà để dùng tạm khi ngập lụt. Hiên và mái nhà có thể mở rộng về 4 phía để lấy ánh sáng tự nhiên và thông thoáng cho ngôi nhà.
Bề mặt tường với những bẫy hút gió và được phủ xanh bằng các máng trồng rau góp phần cải thiện bữa ăn trong thời gian sống chung với lũ - đây là một giải pháp theo hướng kết hợp Nông nghiệp với Kiến trúc mà nhóm đang theo đuổi.
Chi tiết thiết kế của ngôi nhà. Ảnh: Đoàn Thanh Hà.
Tính ứng dụng cao
Khi nghiên cứu cho vùng lũ lụt, nhóm thiết kế xác định phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Giá thành thấp - Thi công nhanh - Khả năng ứng dụng rộng rãi. Kết quả thực tế là:
- Tổng chi phí vật liệu và trang thiết bị cho ngôi nhà mẫu tại Hà Nội là 55 triệu VND (chỉ ~2.500USD). Sản phẩm là một không gian rộng 44m2 (khi đóng) và 62m2 (khi mở), tiện dụng cho một gia đình (6 người) chung sống cùng với thiên tai.
- Thi công nhanh chóng và dễ dàng trong vòng 25 ngày. Người dân có thể tự mình lắp dựng do các thành phần đã được mô đun hoá. Họ cũng có thể chủ động chuẩn bị vật liệu tại chỗ và hoàn thiện dần ngôi nhà trong quá trình sinh sống tùy theo khả năng của mình.
- Khả năng ứng dụng rộng rãi thể hiện ở sự dễ dàng phù hợp với những hoàn cảnh đa dạng, không gian sử dụng linh hoạt, có thể sản xuất hàng loạt do đã được mô đun hoá, các bộ phận dễ dàng tháo lắp cũng như thay thế / sửa chữa, vật liệu lợp / bao che phong phú.