Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cà Mau tái diễn nạn phá rừng

(12:26:58 PM 10/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Nếu như trong 2 năm, từ năm 2010 đến năm 2012 số vụ phá rừng ở tỉnh Cà Mau giảm 50% thì bất ngờ trong năm 2013 tình trạng này lại bùng phát trở lại với trên 1.600 vụ lớn nhỏ và đã có trên 1.000 M3 gỗ bị chặt phá, chủ yếu là phá rừng phòng hộ ven biển và rừng quốc gia Mũi Cà Mau.

Trong năm 2013 tình trạng phá rừng ở Cà Mau đã bùng phát trở lại với trên 1.600 vụ lớn nhỏ và đã có trên 1.000 M3 gỗ bị chặt phá



Thực trạng trên như căn bệnh kinh niên tái phát, khiến cho dư luận xã hội ở Cà Mau bức xúc. Nếu căn bệnh này không chữa trị kịp thời thì rừng phòng hộ ven biển cũng như vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ bị tàn phá.

Mặt dù lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm, nhưng đối tượng phá rừng vẫn lén lút dùng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi như sau khi chặt cây rừng xong, chúng dùng can nhựa buộc dây vào thân cây rồi thả trôi sông, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện thì họ cắt dây để phi tang. Thời gian đối tượng vào rừng phá rừng là lúc nửa đêm trở về sáng, lúc trời mưa, lúc thuỷ triều lên cao.

Ông Trần Tuấn, Giám đốc vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: đối tượng phá rừng đa số là dân nghèo gồm người địa phương và người từ các địa phương khác tới. Họ chặt cây rừng làm chất đốt, bán cho các lò hầm than đang hoạt động trái phép để làm nguyên liệu. Cứ như vậy làm cho rừng phòng hộ, cây nguyên sinh trong rừng quốc gia bị tàn phá.

Theo ông Trần Tuấn, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng với lực lượng nhân viên vài chục người nên không thể quán xuyến hết toàn bộ lâm phần vườn quốc gia rộng tới hơn 10.000 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra ban đầu cho thấy, có hiện tượng nhân viên kiểm lâm tiếp tay với bọn phá rừng, từ đó nhiều vụ vận chuyển gỗ từ trong rừng ra ngoài trót lọt.

Về trách nhiệm, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về những hộ được giao quản lý rừng, chính quyền xã, các công ty lâm nghiệp, hạt kiểm lâm và Ban Giám đốc vườn quốc gia. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn bộ diện tích rừng phòng hộ và vườn quốc gia Mũi Cà Mau để đánh giá mức độ thiệt hại, sẽ xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan. Riêng đối với trường hợp nhân viên kiểm lâm tiếp tay cho đối tượng phá rừng nếu có đầy đủ chứng cứ sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Trần Thành Nên