Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bắc Kạn:Sâu ong hại cây mỡ, hàng ngàn hecta rừng có nguy cơ mất trắng

(18:31:31 PM 08/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Bắc Kạn là tỉnh trồng nhiều rừng trong những năm gần đây. Các loại cây trồng chủ yếu là cây mỡ và cây keo. Trong 3 năm gần đây, nạn sâu ong tàn phá cây mỡ xảy ra trên diện rộng ở 4 huyện, tổng diện tích bị thiệt hại hàng ngàn hecta. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng đến nay, sâu ong vẫn chưa được diệt, thậm chí, ở một vài địa phương tình trạng sâu ong phá cây mỡ còn lan rộng hơn.

Những diện tích cây mỡ bị sâu ong ăn hết lá

 

Năm 2103, sâu ong xuất hiện ở những cánh rừng trồng cây mỡ của 4 huyện là Pác Nặm, Chợ Đồn, Chợ Mới và Bạch Thông. Mật độ trung bình trên một cây từ 200-300 con, cá biệt có những cánh rừng trên một cây mỡ có đến 700-1.000 con. Sâu ong ăn lá, ăn vỏ cây nên gần như các cây mỡ bị sâu tấn công không chết cũng không phát triển được.


Theo ông Nguyễn Bá Quân, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn, tại huyện Pác Nặm và 5 xã của huyện Bạch Thông là Vy Hương Tú Trĩ, Đôn Phong, Lục Bình, Hà Vỵ, Tân Tiến, sâu ong phát sinh mạnh từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4, với mật độ trung bình từ 200-250 con/cây. Tổng diện tích cây mỡ bị sâu ong phá của hai huyện này là trên 583 ha. Ở hai huyện này, trong những tháng cuối năm sâu ong vẫn còn những mật độ không cao, chỉ khoảng 20-40 con/cây.


Sâu ong xuất hiện nhiều nhất ở huyện Chợ Đồn, Chợ Mới và xã Dương Phong của huyện Bạch Thông với gần 700 ha cây mỡ bị sâu ong tàn phá. Sâu ong ở địa bàn này diễn biến phức tạp thường một năm xuất hiện đến 4 đợt, với mật độ trung bình từ 400-500 con/cây, có nhiều vùng lến đến 800-1.000 con/cây. Diện tích bị sâu tấn công đợt sau tăng cao hơn đợt trước. Đợt 1, tại huyện Chợ Đồn có gần 600 ha, Chợ Mới trên 20 ha, Bạch Thông là 15 ha thì đợt 4 huyện Chợ Đồn có gần 700 ha, Chợ Mới 54 ha và Bạch Thông là 18 ha cây mỡ bị sâu ong phá hoại.


Là loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế lớn trong cơ cấu cây trồng của huyện Chợ Đồn, cây mỡ đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của người dân. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây tình trạng sâu ong hại cây mỡ đang gây rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển loại cây trồng này. Đến huyện Chợ Đồn những ngày này, câu chuyện về sâu ong hại cây mỡ là vấn đề được người dân quan tâm và lo lắng nhất. Cũng dễ hiểu, bởi hàng trăm triệu đồng của người dân có nguy cơ mất trắng trước tình trạng sâu ong hại cây mỡ.


Gia đình ông Nông Văn Sùng ở Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) là một trong hàng trăm hộ dân ở huyện Chợ Đồn đang rất bế tắc để tìm ra giải pháp ngăn chặn sâu ong. Gia đình ông Sùng có hơn 2 ha mỡ 4-6 năm tuổi, nếu theo chu kỳ phát triển bình thường, chỉ khoảng 3-5 năm nữa, số mỡ này có thể cho thu hoạch từ 160 đến 200 triệu đồng. Thế nhưng, khi xuất hiện sâu ong, gần như toàn bộ diện tích này có nguy cơ mất trắng.


Cũng như gia đình ông Sùng, gia đình ông Nông Quốc Chấn ở thôn Nà Chợ, xã Phong Huân, Chợ Đồn (Bắc Kạn) cũng trong tình trạng tương tự. Những ngày đầu, khi sâu ong xuất hiện, gia đình cũng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và tận diệt. Tuy vậy, dù đã bỏ nhiều công, nhiều sức nhưng việc tận diệt là không hiệu quả.


Ông Hạ Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Huân cho biết: Xã Phong Huân có khoảng 100 ha bị sâu ong phá hoại, xã cũng đã chỉ đạo người dân thống kê diện tích bị hại và cấp thuốc để phun, tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ giảm đi trong đợt, đến đợt sau sâu lại nở nhiều. Người dân hiện nay rất lo lắng và không yên tâm khi trồng cây mỡ.


Toàn huyện Chợ Đồn, tình trạng sâu ong hại cây mỡ đang diễn ra rất phức tạp. Đến thời điểm này tại 14/22 xã thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã xuất hiện sâu ong hại cây mỡ với gần 700 ha bị nhiễm, trong đó diện tích bị hại nặng là hơn 90 ha và đang có nguy cơ lan ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các xã Rã Bản, Bình Trung, Nghĩa Tá, Phong Huân.


Ông Hà Sỹ Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cũng khẳng định; Tình hình sâu ong hiện nay trên địa bàn phức tạp, có chiều hướng lan rộng, huyện cũng đã chỉ đạo sâu sát, giao phòng chuyên môn phối hợp, giúp người dân ngăn chặn sâu ong. Tuy nhiên, hiệu quả đến nay vẫn rất thấp.


Ông Triệu Đức Kháng, Chủ tịch UBND xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn: Xã đã tổ chức thực hiện việc phun thuốc nhưng hiệu quả không cao. Việc phun thuốc không hề đơn giản vì cây bị sâu hại đã cao, vòi phun khó tới, nhưng cái chính là khi thực hiện phu thuốc sẽ rất độc hại cho người dân.


Thực tế việc tận diệt sâu ong là rất khó. Nguy hiểm hơn, sâu ong có sức lây nhiễm nhanh. Sau khi ăn hết, sâu ong tiếp tục hại đến phần vỏ. Do đó, những diện tích cây mỡ đã bị gây hại bởi sâu ong sẽ bị chết, hoặc sống thì việc sinh trưởng, phát triển cũng rất chậm.


Để diệt trừ sâu ong, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương tập trung phun thuốc, mua máy phun phù hợp để phun được lên phần ngọn của cây mỡ. Ngoài ra, các địa phương có sâu ong tổ chức thu mua nhộng, sâu, trứng nhằm khuyến khích người dân tham gia diệt sâu ong.

Nguyễn Trình-TTXVN