Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tuyên Quang: Cần ngăn chặn nạn khai thác quặng Barit trái phép tại xã Công Đa

(14:35:21 PM 05/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Do quặng Barit ngày một khan hiếm khiến giá cả tăng cao, nên vài tháng nay ở khu vực xã Công Đa, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tình hình khai thác quặng Barit tái diễn, nhiều đối tượng đã mua đất của dân để tiến hành khác thác quặng, gây bức xúc trong dư luận.


Khai thác quặng- Ảnh minh họa IE



Ngay sát đường liên xã nối Công Đa với xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) là điểm mỏ trái phép thứ nhất. Chủ mỏ là ông Trung - người trong thôn và một số đối tượng khác đã hoạt động được hơn 3 tháng nay. Điểm mỏ này trên một quả đồi rộng cả ngàn mét vuông bị san phẳng. Để thuận lợi cho việc khai thác, các đối tượng này đã thuê nhiều công nhân và lập luôn lán trại tại bãi quặng để mở rộng khu vực khai thác. Họ đã dùng máy cuốc, san gạt mở một con đường đủ cho xe ô-tô đi lên đỉnh núi, đi đến đâu có quặng thì thu nhặt tập kết dọc tuyến đi. Những cây keo có đường kính 12-15cm cũng bị đốn hạ để phục vụ việc khai thác quặng.

Điểm quặng thứ hai chỉ cách đó chưa đầy 1km, cũng trên địa bàn thôn Bảy Mẫu, xã Công Đa. Người dân ở đây cho biết, điểm mỏ này do một một đối tượng từ nơi khác đến mua và khai thác được 3 tháng nay, bình thường ở đó có 4-5 người dân địa phương được chủ thuê nhặt tuyển quặng. Để khai thác quặng, các đối tượng này dùng máy cuốc đưa đất quặng lên máng sàng, sau đó quặng tiếp tục được đưa sang máy rung để loại bỏ đất, cuối cùng công nhân sẽ nhặt loại bỏ đá, những viên quặng hàm lượng quá thấp. Hiện tại vẫn còn một khối lượng lớn quặng chưa được chuyển đi.

Bà chủ đất Phạm Thị Hà cho biết: 5 tháng trước, gia đình bà bán đất cho người có tên Lĩnh, trú ở thị trấn Sơn Dương. Theo thỏa thuận, diện tích gia đình bà bán là gần 1ha với giá 100 triệu đồng, sau khi khai thác xong họ sẽ trả lại mặt bằng cho gia đình bà. Các đối tượng trên chỉ mới khai thác được 3 tháng trở lại đây, ước lượng khoảng 300 - 400m3 quặng. Khai thác đến đâu thì họ chuyển đi đến đó. Hiện nay các đối tượng này thu mua với giá khoảng 800.000 đồng/m3 quặng.

C uối năm 2012 cũng trên địa bàn thôn Lũy, thôn Cả, thôn Bẩng, xã Công Đa đã xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc trong nhân dân. Người dân đã nhiều lần báo cáo với cán bộ xã Công Đa, nhưng chính quyền xã cũng không có động thái gì. Trước nguy cơ đất đá do khai thác quặng sẽ đổ xuống ruộng khi mùa mưa đến, người dân đã gửi đơn lên UBND tỉnh Tuyên Quang, lúc đó huyện, xã mới thành lập đoàn kiểm tra giải quyết, các điểm khai thác trái phép đó mới được xóa bỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết: Các điểm khai thác trên đều nằm trong khu vực do Công ty Cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang được quyền khai thác và họ đều là người của công ty. Khi được hỏi các đối tượng trên có giấy tờ chứng minh là người của công ty không? Ông Nam bảo là "Họ không đưa" và ông cũng không hỏi. Ông cho rằng vì Công ty Cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang là công ty của Nhà nước, nên ông cũng không quan tâm, khu vực mỏ cũng chỉ biết được một cách mơ hồ là khu vực thôn Bén đến thôn Bảy Mẫu, còn cụ thể ở đâu ông cũng không biết.

Làm việc với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Sơn, bà Hoàng Thị Chuyên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường khẳng định đến thời điểm hiện tại, huyện không hề nhận được báo cáo nào từ xã Công Đa về hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép. Trước đây Công ty Cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang được cấp phép khai thác quặng Barít ở khu vực thôn Bảy Mẫu, xã Công Đa nhưng hiện tại giấy phép cũng đã hết hạn và họ cũng đã nghỉ từ lâu, trên địa bàn xã hiện tại không còn đơn vị nào có giấy phép khai thác. Vừa rồi, bà có trao đổi với Bí thư đảng ủy xã Công Đa, thì được báo cáo là không có hiện tượng khai thác quặng xảy ra trên địa bàn.

Dư luận mong chính quyền sở tại và các ngành chức năng huyện Yên Sơn cần vào cuộc ngăn chặn đi đến chấm dứt tình trạng khai thác quặng Barit trái phép tại xã Công Đa, vừa bảo vệ được tài nguyên của đất nước, vừa bảo vệ được đất đai sản xuất của nhân dân và giữ gìn sự bình yên của làng quê miền núi này.

Nguyễn Văn Tý -TTXVN