Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Để quản lý nguồn tài nguyên nước, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt và triển khai thực hiện “Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020”. Theo đó, nhằm phục vụ tốt công tác quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững trên phạm vi toàn tỉnh, trước mắt, tỉnh giao ngành Tài nguyên - Môi trường ưu tiên triển khai thực hiện một số dự án cần thiết; trong đó, có Dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải trên một số sông chính, suối, tiểu lưu vực thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Báo động chất lượng nước trên các sông
Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau khi xử lý. Tuy nhiên, từ sau cửa đập Trị An đến bến đò Bà Miêu (huyện Vĩnh Cửu) chất lượng nước chỉ đạt mục đích tưới tiêu thủy lợi. Ngoài ra, đoạn sông này còn là nơi tiếp nhận nước của các chi lưu sông La Ngà, sông Bé đang bị ô nhiễm do hoạt động nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, nông nghiệp trong khu vực gây ra.
Đối với đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa, tại một số vị trí có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ; trong đó, khu vực sông Cái có chất lượng nước kém nhất do phải tiếp nhận toàn bộ nước thải của khu vực nội thành (thành phố Biên Hòa) và một phần nước thải của tỉnh Bình Dương (vị trí cầu Suối Siệp). Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai từ Cù lao Ba Xê đến vị trí xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) và vùng hạ lưu gồm các sông Lòng Tàu, Nhà Bè, Đồng Tranh, chất lượng nước đạt mục đích bảo tồn động thực vật thủy sinh. Các nguồn nước bổ cập vào sông Đồng Nai tại khu vực hạ nguồn sông Đồng Nai gồm suối Nước Trong, rạch Bà Chèo, sông Buông, sông Đồng Môn do phải chịu tác động từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong khu vực nên hầu hết đều không đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt...
Các hồ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có chất lượng tốt hơn các sông và suối, hầu hết đều đạt chất lượng theo mục đích sử dụng nhưng hồ Sông Mây, hồ Cầu Mới tuyến V chất lượng nước chỉ dùng cho tưới tiêu thủy lợi. Đặc biệt hồ Thanh Niên, hồ Suối Tre, hồ Suối Vọng, hồ Suối Rạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng do hàm lượng pH và coliform tăng cao bất thường.
Trước thực trạng trên, việc tìm ra giải pháp quản lý thống nhất, đồng bộ các nguồn xả thải vào môi trường nước và đánh giá được khả năng tiếp nhận nguồn thải của hệ thống sông ngòi trên trên tỉnh, từ đó đưa ra quy hoạch phân vùng xả thải vừa đảm bảo chất lượng lượng môi trường nước vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội... đang là một yêu cầu khá cấp thiết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các đối tượng điều tra theo dự án này chủ yếu là các hoạt động xả thải vào nguồn nước với lưu lượng thải ≥10m3/ngày đêm, bao gồm các nguồn xả thải từ: đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, y tế, nông nghiệp, ngư nghiệp. Việc thực hiện điều tra phải đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, nhằm phục vụ công tác đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải của nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trước mắt là tại một số đoạn sông chính, như: sông Bé, sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Thị Vải...
Tăng cường quản lý nguồn nước thải
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tỉnh tập trung chỉ đạo kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải. Theo đó, từ chỗ chỉ có 3 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung năm 2005, đến nay 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn tỉnh cũng đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động về nước thải tại 18 khu công nghiệp và kết quả quan trắc được truyền trực tiếp về Sở để theo dõi, kiểm soát. Tỷ lệ thu gom, xử lý các loại chất thải ngày càng cao.
Đặc biệt, Sở phối hợp với các địa phương xử lý được nhiều điểm “nóng“ về môi trường. Trong đó, hoàn thành xử lý triệt để 11/11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm cục bộ như sông Thị Vải, rạch Bà Chèo, cầu La Ngà...
Bên cạnh đó, ngoài hai nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt lớn cho thành phố Biên Hòa và Nhơn Trạch, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch 7 dự án thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị lớn là: thị xã Long Khánh, thị trấn Long Thành, thị trấn Tân Phú, đô thị Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu).
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đầu tư gần 173 tỷ đồng cho các dự án về xử lý chất thải cho ngành y tế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ làm hệ thống xử lý chất thải y tế cho 6 bệnh viện của tỉnh, các trung tâm chuyên khoa, trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế của các xã, phường.
Đối với dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho toàn thành phố Biên Hòa, trong giai đoạn 1 của dự án này, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Hố Nai với tổng nguồn vốn 126 tỷ đồng. Dự án được Chính phủ hỗ trợ vốn phần xây lắp, còn vốn đối ứng của Đồng Nai thực hiện việc lập hồ sơ quy hoạch và bồi thường. Hiện tỉnh đã ứng vốn thực hiện xong việc lập hồ sơ thiết kế, bồi thường để có quỹ đất sạch đấu thầu thi công. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, nếu Đồng Nai không nhanh chóng tổ chức đấu thầu xây dựng dự án xử lý nước thải sinh hoạt thì khó nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương.
Sắp tới, để công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước được thực hiện tốt hơn, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các đối tượng hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước, ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh tiếp tục triển khai điều tra, đánh giá tài nguyên nước ở các khu vực chưa thực hiện. Đồng thời, căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, ngành sẽ đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng kế hoạch cấp phép; rà soát danh sách các trường hợp thuộc diện cấp quyền khai thác tài nguyên nước để đề xuất thu phí khi có hướng dẫn của trung ương; tăng cường kiểm tra các hoạt động tài nguyên nước của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đề xuất xử lý theo quy định.