Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công an điều tra việc phá rừng trồng cao su

(18:21:34 PM 28/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 27/11, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Bình Dương và Trung đoàn 710 thuộc Tổng công ty 15 có nhiều sai phạm trong quá trình trồng cao su.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 điều tra, làm rõ các sai phạm trồng rừng ngoài dự án để có biện pháp xử lý.

 

Khai thác rừng nghèo để trồng cao su ở Gia Lai

 

Theo đó, việc trồng cao su của những đơn vị này trên đất lâm nghiệp cũng như tự ý thỏa thuận đền bù đất sản xuất của dân đem trồng cao su, khai hoang đất trồng cao su không để lại diện tích cách mép sông, suối tối thiểu 50 m và cách lề quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện tối thiểu 100 m là sai quy định.

Các ngành chức năng thanh kiểm tra, cùng phối hợp với Tổng công ty 15 báo cáo chính xác diện tích đất khai hoang trồng cao su ngoài dự án cho thuê đất báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý.
 
Đối với diện tích đất đã khai hoang nhưng không trồng được cao su, yêu cầu Công ty Bình Dương và Trung đoàn 710 phải trồng lại rừng.
 
Trước đó, năm 2010 và 2011, UBND tỉnh Gia Lai giao 4 quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Puch và cho Cty Bình Dương thuê đất để trồng cao su tại huyện Chư Prông, Gia Lai, tổng diện tích 2.774 ha. 
 
Trong khi nhiều doanh nghiệp khác thực hiện khá nghiêm chỉnh chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp trồng cao su thì Cty Bình Dương dưới sự lãnh đạo của ông Trần Văn Khanh đã cố tình làm sai.
 
Ngày 27/4/2010 và ngày 7/7/2010, UBND tỉnh có 2 quyết định thu hồi 840,6 ha đất của BQL RPH Ia Puch cho Cty Bình Dương thuê để trồng cao su tại xã Ia Me, huyện Chư Prông, trong đó có 80 ha là đất lâm nghiệp chưa có rừng, còn lại hơn 760 ha là đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên nghèo. 
 
Thế nhưng, khi triển khai thực hiện dự án này, Cty Bình Dương chỉ trồng 529 ha cao su trong vùng dự án. Diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 700 ha lân cận không được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su đã bị Cty Bình Dương cho san phẳng trồng 474 ha cao su ra ngoài ranh giới, địa phận được giao đất.
 
Trong số diện tích cao su trồng xâm lấn đất rừng trên, cho đến nay có gần một nửa diện tích vườn cây kém chất lượng, không phát triển. Nếu bình quân mỗi ha cao su đầu tư đến nay khoảng 70 triệu đồng thì số diện tích mà Cty Bình Dương phá rừng để trồng ra ngoài quy hoạch gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó , công ty này còn lấy một phần diện tích đất được giao trồng cao su để xây dựng  nhà đội và chia cho 31 hộ công nhân xây dựng nhà ở khi chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Tại khu vực xã Ia Puch, Cty Bình Dương cũng tự ý chia cho 89 hộ gia đình công nhân dựng nhà ở.
Thùy Vân/ĐV (Tổng hợp TPO, TNO)