Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện nay, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 5 cống nước thải đổ thẳng ra biển, 5 cống khác xả xuống sông Cái và 3 cống xả ra sông Quán Trường. Những ống cống này dù trực tiếp hay gián tiếp thải qua 2 dòng sông nhưng đều là những điểm đen gây ô nhiễm môi trường ở vịnh Nha Trang.
Đổ thẳng ra biển
Theo quan sát của chúng tôi, vào những ngày nắng nóng, nước thải ở các cống đều đen sì, bốc mùi hôi thối. Trong đó, một số cống nằm ngay các vị trí du lịch như khu vực Hòn Chồng, công viên Thanh Niên… gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Ngọc Tĩnh - người dân có nhà gần một miệng cống thải ở phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang - cho biết: “Không chỉ khu vực Hòn Chồng, dọc đường Phạm Văn Đồng còn có 3-4 miệng cống khác đổ nước thải ra biển. Với tình trạng xả thải hiện nay, dân ở đây rất ngại tắm biển vì sợ bẩn, ngứa. Gần đây, chúng tôi còn chứng kiến nhiều du khách nước ngoài thường xuyên đi nhặt rác ở khu vực bờ biển Bãi Dương - Hòn Chồng”.
Dọc bờ sông Cái hiện vẫn còn hàng trăm căn nhà tạm thuộc các phường Vĩnh Phước, Vạn Thắng không hề có nhà vệ sinh. Do đó, toàn bộ chất thải, nước thải sinh hoạt của người dân đều đổ xuống dòng sông này.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, riêng bờ sông Cái đoạn thuộc phường này đã có khoảng 180 căn nhà tạm. Cạnh đó, tại phường Xương Huân, hàng chục hộ dân mở quán nhậu dọc bờ kè mới xây. Rác thải được chủ quán gom lại và tống thẳng xuống cửa sông Cái…
Lo du lịch bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh thu hút lượng du khách rất lớn, năm sau vượt năm trước. Tính đến tháng 10-2013, đã có gần 2,5 triệu lượt du khách đến Nha Trang, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, ông Thành lo ngại tình trạng thải nước bẩn, hôi thối ra biển cũng như xả rác bừa bãi sẽ để lại những hình ảnh xấu với du khách khi đến TP Nha Trang. “Để du khách không phải than phiền, chính quyền địa phương cần có những giải pháp thiết thực, đặc biệt phải tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ môi trường” - ông Thành nói.
Ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cho rằng theo tiêu chuẩn về môi trường, hiện vùng biển này tuy chưa bị xem là ô nhiễm nhưng rác thải, nước thải đã ảnh hưởng lớn đến khu vực. Vào mùa mưa lũ, phía Bắc đảo Hòn Tre dù xa đất liền, nằm gần vùng lõi khu bảo tồn biển cũng đã xuất hiện vi khuẩn Coliform. Hàm lượng hydrocarbon nhiều thời điểm khá cao, vượt mức cho phép. Điều này tăng nguy cơ phát triển các tảo có hại, hủy hoại môi trường sống của một số loại san hô, vi sinh vật biển…
“Lợi thế của Nha Trang là có dòng hải lưu sát bờ nên có khả năng cuốn các chất bẩn đi nơi khác song không vì vậy mà chúng ta chủ quan mà cần phải chú ý đến các giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động ven bờ như: nước thải, rác thải, dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản …” - ông Kỉnh cảnh báo.
Hằng năm, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đều phối hợp với Viện Hải dương học tiến hành khảo sát 13 điểm cố định trong vịnh vào mùa khô (tháng 4) và mùa mưa (tháng 11), qua đó đánh giá tình trạng nhiễm bẩn vi sinh khá phổ biến. Trạm “nền” ở phía Bắc vịnh Nha Trang vốn được coi là sạch nhất cũng có thời điểm bị nhiễm bẩn bởi vi khuẩn Coliform và Vibrio.
Dự án chờ vốn
Theo ông Trương Kỉnh, các giải pháp hiện nay vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng ô nhiễm ở vịnh Nha Trang. “Chúng tôi đang chờ dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang hoàn thành, qua đó mới có các hệ thống thu gom, xử lý nước thải” - ông Kỉnh kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Châu Ngô Anh Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang, cho biết riêng dự án xử lý hệ thống nước thải khu vực phía Bắc TP đã bị Ngân hàng Thế giới thu hồi vốn, không tiếp tục đầu tư xây dựng được nữa. Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đang kiếm nguồn vốn cho dự án, nếu có vốn cũng phải lập lại chi tiết đầu tư xây dựng.