Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Bom” hóa chất đe dọa môi trường

(11:00:02 AM 27/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay Việt Nam còn tồn dư khoảng 11.800 thiết bị điện, 700 tấn dầu chứa chất Poly - clobiphenyl (PCB) - một loại hóa chất cực kỳ độc hại. Ngoài ra, cả nước hiện có trên 1.100 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Việc tồn dư lượng hóa chất độc hại quá lớn trong khu dân cư đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản miền Nam hoạt động trong khu dân cư tại quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

 

Hậu quả khôn lường

 

Theo ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất, kết quả điều tra ở Việt Nam cho thấy, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM đang lưu giữ 20.000 - 30.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB. Tại khu vực xung quanh kho chứa có dấu hiệu bị ô nhiễm (một số mẫu đất, bùn có nồng độ PCB lớn hơn 50 ppm). Không chỉ vậy, nhiều biến thế cũ hoặc đang hoạt động tại kho Công ty Điện lực Đồng Nai, Công ty Nhiệt điện Phả Lại và cảng Cái Lân đang phát tán chất PCB ra môi trường, thậm chí có nơi lên tới 100 ppm.

 

Chưa hết, tại các khu vực chứa hóa chất có mức độ rủi ro rất cao về mặt an toàn, cháy nổ cũng như gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc ứng phó mỗi khi sự cố xảy ra là hết sức khó khăn và tốn kém. Mặt khác, hóa chất có tính độc hại, khi xâm nhập vào môi trường sẽ hủy hoại sinh vật trong tự nhiên và tác động xấu đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong. Quy mô sự cố có thể ảnh hưởng trên diện rộng. Hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất ngày càng tăng, kéo theo các nguy cơ xảy ra các sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường ngày càng gay gắt. Thế nhưng, công tác quản lý hóa chất ở các cấp, các ngành, các địa phương hiện chưa được quan tâm đúng mức.

 

Bà Nguyễn Kim Liên, Cục Hóa chất, Bộ Công thương cho biết, sự cố hóa chất xảy ra với tần suất ngày càng nhiều với quy mô tác động và tính chất nguy hiểm cao. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở hoạt động hóa chất nằm xen cài trong khu dân cư, các cơ sở công nghiệp, kinh doanh thương mại nhưng lại thiếu giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất.

 

Cụ thể, số doanh nghiệp không trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất chiếm 45%. Số lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về an toàn hóa chất là 20%. Tình trạng lơ là, mất cảnh giác với cháy nổ hóa chất còn thấy rất rõ ở cả các doanh nghiệp sản xuất đặc thù hàng ngày, hàng giờ phải sống chung với hóa chất độc hại. Đơn cử như vụ nổ hóa chất MEKP (Methyl ethyl ketone peroxide) nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng hồi giữa năm 2010 đã khiến 3 người chết và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.



Tương tự, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhấn mạnh, từ năm 2005 - 2013, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 sự cố gây tràn dầu, trung bình 2 vụ/năm. Vị trí xảy ra sự cố thường là các khu vực cảng sông, các ngã ba sông và cửa sông. Trong đó, xảy ra nhiều nhất là khu vực sông thuộc huyện Cần Giờ với 7 vụ và khu vực cảng Cát Lái quận 2 trên sông Đồng Nai với 5 vụ.

 

Nghiêm trọng nhất là vào năm 2011, trong quá trình thi công dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức của Công ty GS E&C, đã phát hiện hố chôn hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, ước tính khối lượng đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1.300 tấn. Hiện việc xử lý lượng hóa chất này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.

 

Quản lý từ gốc

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phòng Kiểm soát phát thải hóa chất và khắc phục sự cố môi trường, Tổng cục Môi trường, hiện cơ quan quản lý gần như mất kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất là do tồn tại nhiều bất cập trong quy định quản lý; không thể xác định rõ cơ quan chức năng nào đang quản lý vấn đề này và trách nhiệm đến đâu. Trong khi hệ thống văn bản pháp luật cho lĩnh vực này thì mang tính đơn lẻ, không thống nhất yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chung chung. Do vậy, rất khó cho cơ quan chức năng liên quan vận dụng để quản lý trong thực tế.

 

Để tránh rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” trước hết, cần khắc phục yếu kém ngay trong hệ thống văn bản pháp luật quản lý hiện nay. Và trong khi chờ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hóa chất, các tỉnh thành, doanh nghiệp, ban ngành cần phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục được các sự cố môi trường, trao đổi thông tin, kiểm tra, giám sát các điểm nhạy cảm về môi trường. Đặc biệt phải có kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố.


Bà Nguyễn Kim Liên cho biết thêm, cần thiết buộc các cơ sở, dự án sử dụng hóa chất nguy hiểm, có nguy cơ gây ra sự cố hóa chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường trên phạm vi rộng phải xây dựng kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố hoặc của các lực lượng chuyên trách cấp trung ương. Về cơ chế, chính sách, cần rà soát và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp quản lý môi trường; thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn ứng phó sự cố hóa chất rò rỉ.

 

Các tập đoàn, tổng công ty, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, nhất là hóa chất nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm.

 

 

(Theo SGGP)