Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
TP HCM được đánh giá là 1 trong 10 TP trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và cũng là nơi gánh chịu nhiều ảnh hưởng sau ĐBSCL.
Đỉnh triều liên tục lập kỷ lục
Cứ mỗi lần triều cường là nhiều khu vực của TP HCM biến thành “sông” Ảnh: Thành Đồng
Nhiều báo cáo trong lĩnh vực khí tượng - thủy văn cho thấy xu hướng gia tăng của đỉnh triều tại TP do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện rõ rệt khoảng từ năm 2006 trở đi. Đến năm 2010, triều cường tại TP bất ngờ lên cao đến 1,58 m đã cuốn trôi đê bao Rạch Đỉa ở quận Thủ Đức khiến hàng ngàn hộ dân không kịp trở tay.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP cho biết đó là đỉnh triều cao nhất trong vòng 50 năm qua. Cả TP phập phồng, UBND TP phải cử người lên hồ Dầu Tiếng để cùng phối hợp, ngăn chặn việc xả lũ vì sẽ khiến TP gặp nguy hiểm. Từ đây, TP bắt đầu chứng kiến những mốc “lịch sử” mới của triều cường. Năm 2011, mức triều đạt đỉnh 1, 59 m. Năm 2012, đạt đỉnh 1,61 m và đến tháng 10-2013, đỉnh triều đã phá mức kỷ lục với 1,68 m.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, BĐKH là nguyên nhân những diễn biến bất thường của thời tiết. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chỉ 15%-20% diện tích TP HCM nằm cao hơn mực nước biển từ 1-2 m, 45%-50% diện tích cao hơn từ 0-1 m. Vì thế, phần lớn diện tích của TP sẽ bị tổn thương nặng nề khi nước biển dâng.
Kịch bản BĐKH mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nếu mực nước biển dâng 1 m thì 20% diện tích TP sẽ ngập và 9% dân số bị ảnh hưởng. Các quận 2, 9, Bình Tân và các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là những địa bàn ngập sâu nhất.
Ngoài đỉnh triều liên tục phá vỡ mốc lịch sử, TP cũng chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan bằng những cơn nắng nóng bất thường vào tháng 4-2013 cũng như cùng kỳ năm 2012. Nhiều trẻ em và cả người lớn phải nhập viện vì nắng nóng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, nhiệt độ của TP vào thời điểm này khoảng từ 34-37 độ C, thậm chí có lúc lên đến gần 38 độ C, trong khi nhiệt độ trung bình năm chỉ dao động từ 26-27 độ C, tháng nóng nhất cách tháng lạnh nhất khoảng 4-5 độ C.
Nước biển “tấn công” nước sông
BĐKH với hiện tượng nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn và đẩy ranh mặn dần lên cao hơn về phía thượng nguồn sông Đồng Nai. Liên tục nhiều năm qua, các nhà máy nước ở TP HCM phải “kêu cứu” vì hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp và chi phí xử lý.
Giai đoạn năm 2010-2011 được xem như đỉnh điểm khó khăn của ngành cấp nước TP vì xâm nhập mặn. Có những thời điểm độ mặn lên đến 270 mg/lít (tiêu chuẩn Việt Nam quy định độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không vượt quá 250 mg/lít) khiến 2 nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Để giải quyết tình trạng này, Nhà máy Nước Tân Hiệp đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng) xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn ra khỏi các cửa sông. Hơn 25 triệu m3 nước từ hồ Phước Hòa được xả cho khu vực hạ lưu sông Sài Gòn nên độ mặn tạm thời bị đẩy lùi.
Khó tránh thiếu nước ngọt
Hiện nay, dù Tổng Công ty Cấp nước TP đã ký hợp đồng với Công ty Dầu Tiếng để xả nước đẩy mặn nhưng đây vẫn được xem là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, với những diễn biến bất thường của thời tiết khiến lượng mưa ngày càng giảm, các hồ chứa trên thượng nguồn trữ nước khiến lượng nước về hồ Dầu Tiếng có xu hướng giảm. Chưa kể tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu của nước biển thì nguồn nước chi viện của hồ Dầu Tiếng để rửa mặn cũng chỉ là hữu hạn. Ngoài ra, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế, thiếu nước ngọt là điều khó tránh khỏi nếu TP không có một kế hoạch tìm kiếm những nguồn nước thay thế.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hiện nay ranh mặn đã đến cửa Hóa An trên sông Đồng Nai. Chất lượng nước của hồ Trị An khá tốt và có thể lấy nguồn nước cấp cho sinh hoạt.