Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cao su đổ rạp, củi bán như cho vẫn không ai mua

(14:46:30 PM 26/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Hàng chục năm trời bỏ tiền của, mồ hôi, thậm chí là nước mắt để chăm sóc, vun xới cho cây “vàng trắng” với hy vọng đổi đời, giờ đây hàng ngàn hộ rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần chồng chất, ngay cả bán củi cũng không ai mua…

Cao su gãy, hàng ngàn hộ dân loay hoay tìm kế sinh nhai

 

Cao su tan nát sau bão, hàng ngàn hộ dân lao đao tìm kế sinh nhai

 
Để trồng mới 1 ha cao su, người dân phải tốn rất nhiều chi phí từ làm đất, mua cây giống, thuê nhân công, phân bón… Theo nhiều nông dân sau khi đã hoàn thành trồng mới 1 ha cây cao su mất khoảng 50 triệu đồng.
 
Nếu chưa có đất thì người dân phải bỏ thêm khoảng 70 – 80 triều đồng/ha để mua lại. Lúc đó, tổng chi phí có thể lên tới gần 200 triệu đồng. 
 
Những thiệt hại do bão số 10 đã khiến cho hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su lâm vào cảnh điêu đứng, chưa biết trồng cây gì để ổn định cuộc sống
 
Không chỉ thiệt hại nặng nề khi cao su bị đổ ngã, chi phí khắc phục, dọn dẹp các vườn cây sau bão đang là gánh nặng đè lên vai người trồng cao su. Nhiều gia đình chỉ mong bán đi phần tài sản còn sót lại để thu hồi phần nào vốn đầu tư, giải quyết khó khăn nhưng bán củi cũng không ai hỏi mua.

Đang thu dọn vườn cây cao su bị gãy nát, ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân cho biết, do để quá lâu nên bây giờ thân cây bị khô hết, chỉ có thể mang đi bán gỗ nhưng hiện tại giá thu mua gỗ của thương lái trên địa bàn lại quá rẻ không đủ chi phí thu dọn.
 
 Ngoài việc bị ép giá, để bán được gỗ người dân còn phải tự cưa, sắp xếp lại thành đống ở vị trí thuận lợi cho xe vào vận chuyển; tính ra tiền bán gỗ không đủ chi phí trả nhân công.
 
Ông Nguyễn Văn Bảo, ở Đội 4 xã Vĩnh Tân nói: Trước đây 2 ha cao su của nhà ông cũng cho thu nhập hơn 1 triệu tiền mủ/ngày. Giờ cao su gãy, ông chỉ biết cắt bán làm củi, trước củi tươi giá 1 tấn 2 trăm, giờ khô bán cũng không ai mua, cho cũng không ai lấy. Bão xong, cây cối gãy tùm lum, gỗ tràm, bạch đàn nhiều mà người ta còn chưa mua, mua gì gỗ cao su.
 
Nhiều nhà tính toán lỗ lãi chạy mua cưa về tự cắt, sau đó bán lại cho thương lái. Tuy nhiên giá gỗ cao su cũng rất bèo, không đủ chi phí. Ngoài việc tự cắt, mình phải phụ bốc, kêu xe chuyên chở cho người ta, cả buổi bốc gỗ méo mặt nhưng một tấn chỉ được mấy chục ngàn.
 
Trồng vượt kế hoạch cao su ở miền Trung
 
Ngày 30/10, tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị phối hợp tổ chức hội thảo về phát triển cây cao su các tỉnh Bắc Trung bộ từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh.
 
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc trồng cao su ở các tỉnh Bắc Trung bộ là có quy hoạch theo chủ trương của Chính phủ, nhưng những năm qua một số tỉnh đã trồng vượt quy hoạch với số lượng 80.470ha. 
 
Thực trạng này là do cao su tiểu điền phát triển vượt kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009-2011 khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn). 
 
Theo thống kê, sau hai cơn bão số 10 và 11, toàn vùng Bắc Trung bộ có hơn 10.000ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn không thể phục hồi.

Trách nhiệm của Bộ trưởng
 
Câu chuyện phá rừng trồng cao su được bàn đến suốt thời gian qua, nhất là khi bão lũ tràn về miền Trung khiến người nông dân trồng cao su đã trắng tay, dư luận thực sự e ngại, nhất là khi việc tự ý trồng cao su tại các tỉnh đang vượt xa so với quy hoạch.
 
Trả lời tiếp phần chất vấn trong họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận: theo Quyết định 750  của Chính phủ thì thì đúng là có tình trạng vượt quy hoạch. Tuy nhiên không hoàn toàn trồng trên đất rừng hay phá rừng mà có cả đất nông nghiệp.
 
“Việc khai thác rừng từ năm 2011 lại đây để trồng cao su thì chỉ có 60.000 ha nhưng đến nay thì dừng trừ những dự án đã được quy hoạch. Vì thế sẽ không còn việc khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su nữa. Có tình trạng ở một số nơi bà con tự khai phá rừng thì địa phương phải giám sát thực thi luật pháp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Và ông Phát cũng thẳng thắn: "Để tình trạng cao su trồng vượt quy hoạch, trách nhiệm quản lý toàn ngành là bộ trưởng, “Tôi xin chịu trách nhiệm nhưng địa phương cũng phải liên đới. Bộ trưởng không thể lặn lội đến từng cánh đồng để xem có hay không trong quy hoạch. Muốn chuyển đất lâm nghiệp sang trồng cao su doanh nghiệp phải xin và chính quyền địa phương cho phép mới làm được. Thẩm quyền cho phép thuộc về chính quyền các cấp”, ông Phát nói thẳng.
Huyền Hồ/ báo ĐV (tổng hợp)