Một chiếc điện thoại giá rẻ, giống hàng Trung Quốc, không có điểm gì nổi trội nếu như không muốn nói là có thể bị chê ngay từ cái nhìn đầu tiên như VNPT Vivas Lotus S1 được trao Kỷ lục "Smartphone thương hiệu Việt đầu tiên được nghiên cứu phát triển và sản xuất tại Việt Nam". Kỷ lục này khiến cho người ta không khỏi nghi vấn: Trình độ Việt Nam chỉ có vậy hay kỷ lục có vấn đề?
Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam Telecomp 2013 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 20 đến 23-11-2013, smartphone VNPT Vivas Lotus S1 đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam VietKings trao Chứng nhận xác lập kỷ lục "Smartphone thương hiệu Việt đầu tiên được nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Việt Nam".
Ông Nguyễn Trung Kiên, phụ trách dự án Vivas Lotus S1 của VNPT cho biết cơ sở để Vivas Lotus S1 được ghi nhận kỷ lục là "khâu thiết kế và quy trình sản xuất được đặt tại Việt Nam. Và để được công nhận sản xuất ở Việt Nam thì nó phải có hai điều kiện: Một là phải có chứng nhận hợp chuẩn của nhà nước Việt Nam công nhận. Thứ hai là số IMEI, là thông tin theo chuẩn quốc tế của sản phẩm. Còn các máy lắp ráp ở Trung Quốc thì có IMEI của nơi lắp ráp máy ấy, không phải IMEI của Việt Nam và không phải được lắp ráp tại Việt Nam", ông Kiên nói.
Thông cáo đăng trên website Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam ghi rõ: "Smartphone Vivas Lotus S1 là dòng điện thoại smartphone thương hiệu Việt đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Là điện thoại được nghiên cứu, phát triển, sản xuất và lắp ráp hoàn toàn trên dây chuyền hiện đại tại nhà máy của VNPT – Technology.
Sản phẩm đã được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận hợp quy số A0588190713AE01A2 ngày 19-7-2013 và đã được VNPT Technology đăng ký IMEI quốc tế với số TAC: 35711005 do tổ chức GSMA cấp. Chất lượng của sản phẩm được đảm bảo với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ linh kiện vật tư đầu vào đến thành phẩm đầu ra".
Ngay sau lễ trao kỷ lục kết thúc, phóng viên VnReview cố gắng tiếp xúc với đại diện VietKings để tìm hiểu thêm thông tin về quá trình thẩm định cũng như tiêu chí xác định kỷ lục đối với sản phẩm smartphone nhưng không thành do họ đã ra về. Sau đó, phóng viên VnReview đã liên hệ được với một số người liên quan của VietKings, có điều họ đều chuyển trách nhiệm cho người khác, phải tới người thứ ba mới chịu lắng nghe nhưng sau đó lại đề nghị gửi mail để "trình sếp duyệt" với lý do… "bọn em không có trách nhiệm trả lời".
Như VnReview đã nhận định trước đó, sự xuất hiện của Vivas Lotus S1 trên thị trường vào tháng 9-2013 là một sự bất ngờ bởi VNPT lâu nay vẫn im hơi lặng tiếng về kế hoạch sản xuất smartphone tại Việt Nam. Khi cầm trên tay điện thoại này, chúng tôi cũng bị bất ngờ nhưng theo chiều hướng khác: máy có thiết kế cồng kềnh, thô và cấu hình lạc hậu so với các smartphone hiện nay, cả với những sản phẩm cùng tầm giá với điện thoại của VNPT.
Cụ thể, theo thông số nhà sản xuất công bố, Vivas Lotus S1 là smartphone 2 SIM sử dụng màn hình 5-inch, bộ vi xử lý tốc độ 1 GHz, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 4 GB. Kích thước máy không được công bố nhưng VnReview đo được là máy có độ dày hơn 12 mm và nặng 221g - thuộc dạng hàng "khủng" so với kích thước, trọng lượng của smartphone cùng tầm giá hiện nay.
Máy có thân dày và cồng kềnh so với các smartphone hiện nay
VnReview sau khi đánh giá đã tiến hành mổ sản phẩm này và phát hiện ra rằng VNPT Technology chưa làm chủ được thiết kế Vivas Lotus S1.
Bằng chứng là mặc dù bo mạch bên trong của Vivas Lotus S1 trông khá nhỏ gọn nhưng các thành phần quyết định đến độ dày thân máy gồm lớp kính bảo vệ, tấm màn hình LCD, khung máy, tấm vỏ mặt sau đều dày hơn bình thường. Đặc biệt, cụm màn hình (gồm lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng gắn ở mặt sau tấm kính bảo vệ và tấm màn hình LCD) của chiếc Vivas Lotus S1 dày tới 4,5mm, trong đó tấm kính là 1,3 mm, tấm màn hình là 2,1mm và còn lại 1,1mm là khoảng trống khá lớn giữa hai thành phần này. Khoảng trống này không chỉ làm cho cụm màn hình trở nên dày hơn mà chất lượng hiển thị màn hình cũng bị suy giảm do ánh sáng đi qua bị phản xạ.
Nguyên nhân sâu xa trong thiết kế cồng kềnh của chiếc Vivas Lotus S1 là do nhà sản xuất chưa tối ưu khâu thiết kế cơ khí. Có thể trong chiếc smartphone đầu tiên này, VNPT Technology đã không làm chủ được khâu thiết kế kiểu dáng cũng như thiết kế cơ khí của máy mà dựa trên thiết kế tham chiếu đã lỗi thời của MediaTek dành cho các điện thoại dùng chip MT6575 lõi đơn ra mắt vào đầu năm 2012.
Khi đã không làm chủ được các khâu trong quá trình thiết kế, nhà sản xuất sẽ khó có thể thay đổi được kiểu dáng cũng như các chi tiết cơ khí cấu thành máy.
Khi trả lời phỏng vấn phóng viên VnReview tại Telecomp 2013, ông Nguyễn Trung Kiên cũng thừa nhận "Riêng về vấn đề thiết kế thì VNPT có hợp tác với một số hãng, khi hợp tác với người ta thì phía VNPT có sử dụng một số design (bản thiết kế) có giấy phép của người ta".
Như vậy rõ ràng là đóng góp của VNPT Technology ở Vivas Lotus S1 chủ yếu nằm ở quá trình lắp ráp và hoàn thiện tại Việt Nam, một khâu mang lại giá trị gia tăng thấp trong quy trình sản xuất smartphone. Và nó thực chất chỉ là smartphone "mác Việt" chứ không phải đích thực là thương hiệu Việt.
Không rõ làm sao Vivas Lotus S1 đã "qua mặt" được đơn vị bầu cử và cả một ban bệ thẩm định (trên lý thuyết) để đoạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam.
Cũng cần lưu ý thêm rằng tổ chức trao danh hiệu Kỷ lục Việt Nam là một tổ chức tư nhân (VietKings) ít được biết đến. Trên website của đơn vị này không có địa chỉ liên hệ cụ thể ngoài trừ số điện thoại và email.
Tuy nhiên, có lẽ ít ai để ý đến điều này. Họ chỉ biết Vivas Lotus S1 được vinh danh là Kỷ lục Việt Nam "smartphone thương hiệu Việt đầu tiên sản xuất tại Việt Nam" trong khi thực chất nó chỉ là một sản phẩm giá rẻ "vay mượn" nhiều từ đối tác Trung Quốc.
Với nhiều người, Kỷ lục Việt Nam mang nhiều tính giải trí như Bánh kem theo mô hình chai sữa tắm NuWhite lớn nhất; Chiếc bánh Pía, bánh In nhân và đĩa Cốm dẹp lớn nhất Việt Nam; Chiếc khăn rằn bằng vàng lớn nhất Việt Nam...
Nhưng khi nói đến Kỷ lục Việt Nam "smartphone thương hiệu Việt đầu tiên sản xuất tại Việt Nam" thì nó không còn mang tính giải trí, thành tích mà là đánh dấu và tôn vinh chất xám, trí tuệ Việt Nam.
Do đó chúng tôi cho rằng danh hiệu Kỷ lục Việt Nam dành cho smartphone Việt cần phải được trao cho sản phẩm xứng đáng hơn chiếc Vivas Lotus S1 và nói chung, Kỷ lục Việt Nam không nên và không được trao tặng một cách tùy tiện.