Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dự án thủy điện miền Trung Việt Nam: Tầm quan trọng trong sự tham gia của cộng đồng

(12:46:20 PM 23/11/2013)
(Tin Môi Trường) - TMT giới thiệu Vắn tắt Khuyến nghị Chính sách của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam về "Dự án thủy điện miền Trung Việt Nam: Tầm quan trọng trong sự tham gia của cộng đồng" do Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Viện Rosa Luxemburg (RLS) và ICCO thực hiện tháng 11 năm 2013

Tóm tắt:

 

Việc xây dựng các đập thủy điện ở Việt Nam là một phần của chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng  năng lượng ngày càng tăng . Trong nhiều trường hợp, phát triển thủy điện đã dẫn đến những kết quả tiêu cực đối với cộng đồng địa phương và môi trường. Người dân buộc phải di dời, đời sống và sinh kế họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tác động của thủy điện. Trong nhiều trường hợp, bồi thường là chưa thỏa đáng và môi trường sống mới thường gây rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các sinh hoạt truyền thống, tiếp tục hoạt động sản xuất, và tạo thu nhập cho gia đình. Những chính sách liên quan thường không được thực hiện đầy đủ và sự tham gia của cộng đồng là rất hạn chế. Mặc dù cộng đồng địa phương là nơi chịu ảnh huởng nhiều nhất , nhưng tiếng nói của họ thường không đuợc lắng nghe trong quá trình quy hoạch , phê duyệt và thực hiện dự án thủy điện . Điều quan trọng cần thiết là phải để người dân địa phương, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội dân sự tham gia tích cực trong quá trình ra quyết định này . Vắn tắt khuyến nghị chính sách này nhằm đưa ra một tổng quan về các vấn đề hiện tại liên quan đến sự tham gia của người dân trong phát triển thủy điện ở miền Trung Việt Nam. Một số các kiến nghị chính sách đưa ra nhằm góp phần giảm thiểu và giải quyết những vấn đề này. 

 

Một hiện tượng chung của thế giới

 

Một thập kỷ vừa qua chúng ta đã thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của thủy điện. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng luợng ngày càng tăng, các nền kinh tế mới nổi đang tham gia tích cực vào các dự án thủy điện. Với quan niệm cho rằng thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo sạch và rẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một đề tài nóng trong nhiều cuộc tranh luận. Những tranh cãi xoay quanh nguồn năng lượng tái tạo này đang ngày càng gia tăng, vì những tác động về môi trường và xã hội mà nó có thể gây ra. Năm 2000, Ủy ban Thế giới về Đập báo cáo rằng việc xây dựng các con đập thủy điện đã dẫn đến việc di dời của khoảng 40-80 triệu nguời trên toàn thế giới. Các học giả Cernea (2003) đã chỉ ra rằng di dời và tái định cư có thể ảnh huởng xấu đến hệ thống xã hội, đời sống cộng đồng và cuối cùng điều đó có thể dẫn đến sự bần cùng hóa đối với họ. Bên cạnh những tác động xã hội, môi trường cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự phát triển của thủy điện. Việc xây dựng một con đập thủy điện có thể phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái của sông làm mất đi tính đa dạng sinh học trên sông. Hồ chứa của đập thủy điện có thể làm ngập nhiều diện tích đất, dẫn đến sự xuống cấp của đất (WCD, 2000). Những tác động tiêu cực có thể được giảm thiểu nếu tất cả các bên liên quan là một phần của kế hoạch, đàm phán và thực hiện các dự án thủy điện. Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho tất cả các bên, họ được tham gia vào quá trình ra quyết định, tạo ra những quyết định công khai để đưa đến một kết quả bền vững. 

 

 “…các kết quả xã hội không đạt yêu cầu, hầu hết các dự án xây dựng đập trong quá khứ có liên quan đến việc người dân bị ảnh hưởng không đóng vai trò trong quá trình lập kế hoạch.”- WCD, 2000

 

Việt Nam với thủy điện

 

Việt Nam là một nền kinh tế phát triển ổn định và nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế đã đi kèm với nhu cầu phát triển nhanh chóng về năng lượng. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng này, Chính phủ Việt Nam (CPVN) đang mở rộng việc xây dựng các đập thủy điện.  Đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam, nhiều đập thủy điện đã được quy hoạch và phát triển hơn 20 năm qua. Việc xây dựng các đập thủy điện đã làm gia  tăng nhiều mối quan tâm, thực tế chỉ ra rằng đã có rất nhiều dự án thủy điện gây ảnh huởng xấu đến môi trường và xã hội.

 

Một số nghiên cứu thực địa tại tỉnh Quảng Nam, khu vực miền Trung của Việt Nam, đã cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về các tác động xã hội và thiệt hại về môi trường do việc phát triển thủy điện gây nên. Một nghiên cứu trường hợp của hai làng vùng ảnh hưởng (Thôn Hai và Thôn Nước Lang) cho cái nhìn sâu sắc về tác động của đập thủy điện Đak Mi 4, ảnh huởng đến cuộc sống của 69 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số. Đất được cấp ở đây là rất ít và đất kém màu mỡ dẫn đến nguồn cung cấp thực phẩm cho công đồng bị ảnh huởng. Ngoài ra, họ phải vật lộn với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập kém và cuộc sống rất nghèo khổ.  Cộng đồng vùng hạ lưu cũng bị ảnh hưởng bởi tác động do thủy điện gây ra. Phát triển thủy điện có thể gây ra lại lũ lụt và hạn hán ở khu vực hạ lưu, gây nên thiệt hại đối với cuộc sống của người dân. Hình 1 cho thấy một phần sông khô hoàn toàn, không có nước chảy. Điều này gây cạn kiệt nguồn cá và ảnh hưởng an ninh lương thực của nguời dân ở đây. Ngược lại, vào mùa mưa lũ thủy điện xả lũ gây ngập úng nhiều nơi ở hạ lưu (hình 2). Cũng đã có những báo cáo về việc rò rỉ nước và rạn nứt do động đất gây nên, hạn hán ở khu vực vùng hạ lưu sông Vu Gia. Trong nhiều trường hợp sự tham gia của cộng đồng người dân trong quy hoạch và trong quá trình ra quyết định là hạn chế, các cam kết bảo vệ môi trường đã không đuợc tuân thủ (Lê Anh Tuấn và Lâm Thị Thu Sửu. 2013).
 


 Hình 1: Lòng hồ khô cạn dọc theo sông Vu Gia, hạ lưu nhà máy thủy điện Đak Mi 4- Ảnh: CSRD. 2013


       Hình 2: thủy điện xả lũ gây ngập lớn ở hạ lưu huyện Đại Lộc. (Ảnh: Lê Anh Tuấn, 2013).

 

Dự án thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam đã khiến cho 1046 hộ gia đình phải di dời tái định cư. Bồi thường đất cho các hộ di dời đã không được thực hiện đầy đủ khiến cuộc sống của họ không được đảm bảo. Điều này đã làm rất nhiều nguời dân phải vào rừng khai thác gỗ trái phép hoặc săn bắn động vật hoặc đốt rừng để lấy đất sản xuất. Ngoài ra, các dự án thủy điện cũng đã lấy đi một diện tích đất rừng lớn. Mất rừng kết hợp với tình trạng phá rừng đang diễn ra của nguời dân tái định cư đang gây ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học ở đây. Thiệt hại về đời sống của nguời dân, các loài cá trên sông, rừng và các loại động vật hoang dã đã không được xem xét đầy đủ trong đánh giá tác động môi trường (Green ID).

 

Thủy điện Sông Bung 4 cũng xuất hiện nhiều vấn đề xoay quanh việc thực hiện các chính sách đền bù tái định cư. Sau khi tái định cư nguời dân chỉ nhận được 1,5 ha đất đền bù. Trong tổng số 91% nguời được hỏi nói rằng diện tích đất đó quá nhỏ so với chỗ ở trước và không đủ để tiếp tục việc canh tác truyền thống của họ. Bên cạnh tình trang thiếu đất sản xuất nông nghiệp, chất lượng đất được cấp cũng không đảm bảo cho việc sản xuất các loại cây thực phẩm cung cập lương thực hằng ngày. Ngoài ra, người dân còn mất đi sinh kế với nhiều hoạt động khác như đánh bắt thủy sản và khai thác vàng. Điều này dẫn đến lương thực không đảm bảo và mất giảm thu nhập. Chuơng trình phục hồi sinh kế (LRP) đã được thiết lập tuy nhiên chương trình này cũng đã không thể phục hồi sinh kế cho nguời dân tái định cư (Lâm Thị Thu Sửu, 2013).

 

Bảng dưới đây (hình 3) cho thấy sự thay đổi cuộc sống theo hướng tiêu cực của người dân sau tái định cư của 2 thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân phải xoay sở rất nhiều để phải tự điều chỉnh với nơi ở mới.

 

 

Sự tham gia của nguời dân 

 

Nghiên cứu thực địa đã chỉ ra rằng có rất nhiều rủi ro và chi phí liên quan đến việc phát triển thủy điện. Thiệt hại về môi trường và xã hội là không thể khắc phục và khó được khắc phục được. Vì vậy cần có một chính sách hợp lý nhằm đem lại kết quả tốt hơn cho môi trường và con người khi thực hiện xây dựng một dự án thủy điện.

 

Việt Nam đã có luật, nghị định và các quy định để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án thủy điện. Các nhà đầu tư và chính quyền địa phương cần phải tuân theo các quy định đã đề ra. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng còn nhiều khoảng trống trong quá trình thực thi các quy định, đặc biệt là liên quan đến đánh giá tác động môi trường và sự tham gia của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Chúng ta cũng đã biết, ví dụ, các cộng đồng ở hạ lưu sống thường không liên quan đến việc ra quyết định, mặc dù thực tế rằng họ đang tiếp xúc với lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt vì hoạt động của các nhà máy thủy điện này. (Hình 4).

 

Để đạt được kết quả tốt hơn cho cộng đồng địa phương, tiếng nói của những người dân, của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội dân sự phải được lắng nghe trong quá trình quy hoạch, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án thủy điện. Họ cũng phải được tham gia vào trong quá trình quy hoạch và thiết kế của các chương trình tái định cư (VRN , 2013). Sự tham gia của họ sẽ đảm bảo rằng họ sẽ được bồi thường thích hợp về đất sản xuất cũng như tiền bạc để có thể duy trì chất lượng cuộc sống sau tái định cư. Người dân phải được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình kiểm tra giám sát tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

 

 

Hình 4: Người dân vùng hạ lưu đang nói về những gì mà thủy điện gây ra với đời sống của họ.
 

Khuyến nghị chính sách

 

Dựa trên kết quả nghiên cứu gần đây về tác động của các công trình thủy điện ở miền Trung Việt Nam và thông qua các cuộc họp và hội thảo với các bên liên quan, những tác động đáng kể về xã hội và môi trường đã nhìn thấy rõ. Dựa trên những phát hiện này, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị chính sách đến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương và những người ra quyết định chính sách như sau:

 

Bắt buộc phải thực hiện và giám sát đánh giá tác động xã hội (SIA) như một phần không thể thiếu trong quy trình phê duyệt dự án thủy điện. Nếu một dự án mà có kết quả đánh giá tác động môi trường và xã hội là quá lớn thì có thể loại bỏ khỏi quy hoạch. Điều này sẽ giúp tránh được những thiệt hại về xã hội và môi trường cho đất nước và con người.

 

Tuân thủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Các nhà đầu tư thủy điện cần đảm bảo các cam kết về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời trong việc điều tiết nước để đảm bảo sự an toàn của cộng đồng và sinh kế cộng đồng. Các ngành chức năng như Bộ TN & MT và Sở TN & MT cần quyết tâm hơn nữa trong việc kiểm tra giám sát việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường của nhà đầu tư và lôi cuốn người dân tham gia vào quá trình này.

 

Các nhà chức trách cần thúc đẩy một cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng địa phương trong suốt quá trình quy hoạch, triển khai và quá trình xây dựng. Tiếng nói của cộng đồng địa phương phải được lắng nghe và xem xét.

 

Nâng cao tính minh bạch để tạo ra một quy trình ra quyết định đuợc rõ ràng và minh bạch cho các bên liên quan. Tính minh bạch sẽ bảo vệ cho cộng đồng bị ảnh hưởng và thúc đẩy sự công bằng và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân bị tái định cư và người dân bị ảnh hưởng ở vùng hạ lưu.  

 

Chính quyền địa phương cần theo dõi chặc chẽ từ quá trình quy hoạch, tiến hành xây dựng và vận hành  các nhà máy thủy điện.  Điều này sẽ giúp nhìn nhận các tác động một cách thấu đáo hơn và đưa ra các điều chỉnh kịp thời phòng tránh và giảm nguy cơ rủi ro môi trường và xã hội.  

 

 

 Hình 3: Hội thảo đối thoại các bên liên quan thủy điện miền trung và sự tham gia của nguời dân. 

 

Kết luận

 

Cần tiếp cận một cách toàn diện và có sự tham gia của người dân trong việc lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện các dự án thủy điện trong tương lai tại Việt Nam. Mặc dù có những chính sách hiện hành liên quan đến việc tham gia đánh giá tác động môi trưòng và xã hội nhưng thường không được thực hiện một cách đầy đủ. Các yếu tố như việc tham gia của các bên liên quan cần được nhấn mạnh hơn tại các quy định, chính sách bổ sung và mới trong thời gian tới. Người dân bị ảnh hưởng cần được công nhận là một đối tác bình đẳng trong quá trình ra quyết định và có ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện tái định cư. Thận trọng là cần thiết trong bối cảnh và giai đoạn này để xem xét kỹ lưỡng hơn tác động xã hội và môi trường. Cùng với việc cải thiện chính sách, cần có sự tăng cường vai trò của cả cộng đồng, các tác động tiêu cực cần được giảm thiểu tối đa.

Tài liệu tham khảo

 

-  Cernea, M.M. (2000) biện pháp bảo vệ và tái thiết những rủi ro: Một mô hình cho di dân và tái định cư. Trong Cernea, M.M. & C. McDowell (biên tập,) (2000), Rủi ro và Tái thiết: Kinh nghiệm của dân tái định cư và người tị nạn. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới.

 

-  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội  (2013) Tập huấn cho người dân vùng hạ lưu của xã Đại Hồng. CSRD.

 

-  Druppers, C (2013)  Di dân và tái định cư thủy điện ở Việt Nam: Nguy cơ đói nghèo và chiến lược thích ứng. Luận án. Utrecht: trường Đại học Utrecht.

 

-  Green ID (2013) Phân tích rủi ro và chi phí môi trường và xã hội của các đập thủy điện, nghiên cứu trường hợp của thủy điện Sông Tranh 2. Hà Nội.

 

-   Lâm Thị Thu Sửu (2013) Thư gửi ngân hàng Phát triển Châu Á, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

 

- Lê Anh Tuấn và Lâm Thị Thu Sửu (2013) Nghiên cứu quá trình phê duyệt và thực thi các dự án thủy điện ở lưu vực sông Vu gia Thu Bồn và Long đại.  Báo cáo của CSRD.

 

- Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (2013) Đối thoại các bên liên quan:  “Thủy điện miền Trung Việt Nam và - sự tham gia của người dân”. Biên bản hội thảo Ngày 3/10/2013 tại tỉnh Quảng Nam.

 

- WCD (2000) Đập và thủy điện: Khuôn khổ mới để ra quyết định. Báo cáo của Ủy ban thế giới về đập thủy điện. London: Earth can.

MỸ LỆ (Nguồn: VRN -2013 )