Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đặc thù đồng nước ven biên
Cánh đồng bờ Bắc ở Vĩnh Gia và Lạc Quới như… mái nhà đổ xuống kênh Vĩnh Tế. Mùa nước nổi thường tràn đồng sớm, còn khi bắt đầu rút cũng rất nhanh. Thời vụ sản xuất phải chuẩn bị khá tốt, do xuống giống nhanh hơn so với các nơi. Ngược lại, mực nước đồng bên bờ Nam cứ từ từ và dao động theo triều cường.
Ông Đào Văn Chính (ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) cho hay, người dân ven biên dựa vào đặc thù này để đánh bắt thủy sản và sản xuất phục vụ cuộc sống. Nhiều hộ sẵn sàng cho vụ mùa đông xuân 2013-2014. “Miệt biên giới Lạc Quới, Vĩnh Gia này được xem là cuối nguồn, nước rút chậm nên cá không thua vùng An Phú, Tân Châu. Nhờ vậy, người dân vùng sâu, vùng xa mới sống được” – ông Chính cười tươi.
Mùa cá làm mắm ở khu vực biên giới Tri Tôn.
Hễ ai có ruộng bơm nước ra để sạ lúa cũng hứng được cá; còn đặt lọp hoặc giăng lưới… đều kiếm bộn. Dọc theo kênh Vĩnh Tế, cánh đồng hai bên bờ Bắc và bờ Nam luôn có ghe, xuồng hoạt động náo nhiệt. Cứ canh theo con nước và buổi chợ là người dân có cơ hội để kiếm sống.
“Mua bán bây giờ dễ dàng lắm, chở đi ra tới kênh Xã Võng được giá hơn, bằng không bán tại chỗ thấp chút đỉnh, mà khỏi phải mất công. Giăng lưới một buổi được chục ký cá linh, kiếm sáu chục ngàn sống khỏe rồi” – bà Trần Thị Tư (ở cầu T4) xởi lởi.
Ở vùng biên giới này, nhiều loài cá ngon vẫn còn, như: Trèn bầu, cá kết, cá heo đuôi đỏ, cá chạch… mặc dù trọng lượng không lớn, nhưng số lượng nhiều có thể làm khô, làm mắm để dành ăn. Mỗi năm chỉ có một mùa cá, ai nấy phải ráng… cựa quậy, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Rằm tháng mười âm lịch, vùng Vĩnh Gia, Lạc Quới, Ba Chúc, Vĩnh Phước (Tri Tôn)… khởi động mùa cá xổ. Hồi đầu mùa nước nổi, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cho mình vài chục thước lưới cá linh, mấy cái lọp, ai có tiền khá hơn thì làm ghe cào, mua lưới đóng đáy… hoạt động lai rai đợi nước rút mới bắt đầu chạy xiết.
Ông Võ Văn Thiện (kênh Xã Võng) bảo, mùa cá xổ ở đây đông vui như ngày hội, lớp người ta mua bán, vừa cắt đầu làm mắm, lớp xe cộ vận chuyển tới lui tối ngày. “Cá ở kênh Xã Võng cung cấp ra tới Nhà Bàng chứ đâu phải ít. Ngày nào, bạn hàng ngoài đó vô chờ cân, xong xuôi họ đưa về bằng xe máy gọn và nguyên liệu vẫn còn tươi rói” – ông Thiện nói.
Nghề truyền thống đặc sản
Người dân khu vực biên giới Tri Tôn cho hay, mùa cá xổ bắt đầu từ rằm tháng mười đến khi cạn đồng, sạ lúa đông xuân và kéo dài tới Tết nguyên đán. Sản lượng tùy thuộc vào từng năm, nhưng số lượng chủng loài xuất hiện vẫn còn khá phong phú.
“Cá này đem bán tươi, chắc người ở chợ chê, ít ai ăn. Nhưng, khi mần mắm rồi, khó mà chê chỗ nào được” – bà Lê Thị Nhen (ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới) cởi mở. Hồi đó, mùa cá xổ ở kênh Xã Võng nhiều vô số kể, không ai biết làm gì cho hết, chỉ có làm mắm để dành.
Làm mắm thì ai cũng biết, song làm mắm ngon và để vựa bán, có lẽ thương hiệu mắm “Bà Tư Chín Ngón” ở núi Nước là nổi tiếng nhất. Người ở Biên Hòa, Bình Dương, Bình Phước… và khắp nơi ĐBSCL đến tham quan núi Tượng đều muốn thưởng thức. Hàng năm, cơ sở này vựa vô cả chục tấn, nào là mắm cá rô, cá sặc, cá lóc, cá linh, cá trèn, cá chốt… Từ rằm tháng mười, cơ sở bắt đầu xuống láng trại tại cầu sắt Vĩnh Thông để thu mua nguyên liệu và huy động hàng chục lao động phục vụ, mỗi ngày “ăn” vô 500 – 800kg cá các loại, sơ chế tại chỗ và sau đó đưa về vựa ở núi Nước.
Còn ông Trần Văn Đực (ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới) cũng là một trong số vựa mắm lâu đời ở khu vực cầu sắt Vĩnh Thông, mỗi năm thu vô cỡ 2,5 tấn mắm các loại. “Mình mua cá tươi, mướn người cắt đầu rồi muối, qua Tết mới tính chuyện buôn bán” – ông Đực cho biết.
Sản phẩm mắm ở vùng biên giới Tri Tôn rất nhiều loại, khiến người mua rất ưa thích, chế biến nhiều món ăn, nhất là các “phụ kiện” kèm thêm như: Đu đủ, dưa leo, dưa gang… dành cho người khoái khẩu, vừa bữa ăn và hợp túi tiền. Đặc biệt, mắm Ba Chúc và Lạc Quới không bán buôn, chỉ bán lẻ trong vùng núi và đưa ra từng buổi chợ địa phương, chưa xây dựng thương hiệu hẳn hòi nhưng vẫn được nhiều người biết và tìm mua.