Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Xẻ thịt” Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau

(09:36:09 AM 23/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta và cũng là khu Ramsar của thế giới, nằm ở cực nam của Tổ quốc đang bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc...

Rừng tan hoang, tiêu điều

Sau nhiều lần thuyết phục, anh Phương (nhà ở Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã đồng ý cho chúng tôi “tháp tùng”? anh vào những nơi mà rừng VQG Mũi Cà Mau bị tàn phà. Thời điểm chúng tôi thâm nhập là trung tuần tháng 11.2013.
 

Một cây rừng tại VQG Mũi Cà Mau vừa mới bị đốn hạ.

Một cây rừng tại VQG Mũi Cà Mau vừa mới bị đốn hạ.


Chiếc vỏ máy đuôi tôm chở chúng tôi vào khu vực Trạm kiểm lâm kinh 5 (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Mũi Cà Mau). Vừa qua trạm chừng 2.000m, chúng tôi thật sự đau lòng trước cảnh cánh rừng đước xanh bạt ngàn của VQG Mũi Cà Mau bị lâm tặc chặt phá nghiêm trọng, có nơi bị tàn phá trắng cả cánh rừng. Nhiều cây bị đốn hạ nằm lăn lóc bên trong chưa đưa ra khỏi rừng. Điều đáng nói khu vực rừng VQG Mũi Cà Mau bị chặt phá chỉ cách Trạm kiểm lâm kinh 5 chưa đầy 2km. Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, đây chưa phải là nơi rừng VQG Mũi Cà Mau bị tàn phá nặng nhất. Khu vực Cồn Cát (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển), rừng bị lâm tặc tàn phá và san bằng như bình địa.

Sau đó chúng tôi đã khảo sát dọc theo các con sông ở khu vực Cồn Cát. Từ dưới sông nhìn lên, cây rừng xanh tốt nhưng vào sâu bên trong chúng tôi phải chứng kiến nhiều cánh rừng bị chặt phá tan hoang. Những cây lớn bị lâm tặc đốn đem ra khỏi rừng trước, sau đó mới đốn cây nhỏ. Tại khu vực này rất nhiều cây chỉ mới bị đốn hạ, dấu búa, dấu cưa còn mới. Đi càng sâu trong rừng, khung cảnh càng tan hoang...

Một cán bộ công tác trong ngành kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết ngay từ giữa năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đã nghe thông tin rừng khu vực Cồn Cát bị lâm tặc phá. Đoàn đi kiểm tra và phát hiện thiệt hại khoảng 50m3 gỗ. Ngay lúc đó, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đề nghị Ban giám đốc VQG tăng cường kiểm tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lãnh đạo VQG không quan tâm tới lời cảnh báo này. Đến nay khi kiểm tra lại thì khu vực Cồn Cát VQG Mũi Cà Mau bị lâm tặc tàn phá gấp 20 lần so trước đó (lượng cây rừng bị tàn phá lên đến 1.000m3).

Kiểm lâm “làm ngơ” lâm tặc

Trước thực trạng VQG Mũi Cà Mau bị tàn phá, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra (Tổ công tác 1221). Theo Tổ công tác 1221, dù chỉ mới kiểm tra 3 khu vực tại VQG Mũi Cà Mau đã phát hiện cây rừng bị thiệt hại lên đến 1.700m3 gỗ. Đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, còn trên thực tế cây rừng của VQG Mũi Cà Mau bị tán phá nhiều hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù tình hình rừng VQG Mũi Cà Mau bị tàn phá nặng nề với số lượng lớn nhưng lãnh đạo VQG Mũi Cà Mau lại chậm báo cáo với UBND tỉnh Cà Mau để có hướng xử lý đến khi Tổ công tác 1221 kiểm tra thì sự việc đã rất nghiêm trọng. Cũng theo nguồn tin của chúng tôi, hiện Công an tỉnh Cà Mau đang tiến hành xác minh thông tin lâm tặc móc nối với cán bộ kiểm lâm VQG Mũi Cà Mau vào rừng chặt cây rồi ăn chia với nhau.

Ngày 20.11, ông Lê Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở NNPTNT và các đơn vị có liên quan xác minh làm rõ các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại VQG Mũi Cà Mau. Nếu đủ điều kiện, tiến hành khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Ông Dũng cũng yêu cầu Ban giám đốc VQG Mũi Cà Mau kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài. Ngoài ra, xử lý các đơn vị, cá nhân thuộc VQG Mũi Cà Mau được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu có tình trạng cán bộ vườn câu kết với đối tượng phá rừng thì xử lý nghiêm.

Nơi đất lấn ra biển


VQG Mũi Cà Mau được thành lập vào năm 2003, có tổng diện tích 41.862ha, trong đó phân khu chức năng trên đất liền gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt là 12.203ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: Đước, sú, vẹt, mắm… Điều đặc biệt của VQG Mũi Cà Mau là phía Mũi Cà Mau diện tích mặt đất không ngừng được mở rộng lấn ra biển do bồi đắp bằng phù sa đổ về. Khu vực này gọi là Mũi Cà Mau- vùng đất nơi tận cùng của Tổ quốc.

Ngọc Chánh- Báo Dân việt