Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 21.11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cùng một số ĐB khác đã chất vấn Thủ tướng về độ an toàn, hệ lụy mà các công trình thủy điện gây ra cho cuộc sống người dân. Các ĐB đã đề nghị Thủ tướng cho biết biện pháp khắc phục.
Rà soát an toàn thủy điện
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định thủy điện là tiềm năng, lợi thế lớn của nước ta cần phải khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, hiệu quả thì còn tồn tại một số hạn chế yếu kém trong quy hoạch, lập dự án, thi công; di dân tái định cư và môi trường sinh thái.
Thủ tướng nhìn nhận nguyên nhân chủ quan chủ yếu của mặt tiêu cực trên là do yếu kém trong quản lý Nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương.
“Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để khắc phục, hạn chế yếu kém”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng xác định công trình thủy điện phải đảm bảo đầy đủ các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và an toàn.
Trả lời chất vấn trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các giải pháp khác phục yếu kém của thủy điện.
Cụ thể, đối với nhà máy thủy điện đang vận hành (268 nhà máy) sẽ rà soát, đánh giá kỹ an toàn hồ đập; cái nào không an toàn thì ngưng hoạt động.Đồng thời, rà soát bổ sung quy trình vận hành hồ chứa, công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành; yêu cầu UBND các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa. Chủ đầu tư nào không làm đúng thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (về hành chính, kinh tế, hình sự).
Thủ tướng cũng cho biết đã có biện pháp nghiên cứu đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư có các dự án thủy điện; rà soát và bổ sung cơ chế chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng đã mất do thực hiện dự án thủy điện.
Đối với 205 dự án thủy điện đang khởi công xây dựng, Thủ tướng cho biết sẽ rà soát đánh giá xem thiết kế kỹ thuật có an toàn không, nếu chưa thì dừng lại; rà soát phương án tái định cư có đúng chính sách, pháp luật không; phương án trồng lại rừng cụ thể như thế nào; quy trình vận hành hồ chứa phải trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Siết chặt quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện mới
Báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sau khi rà soát thì cả nước còn 248 dự án thủy điện chưa khởi công xây dựng. Đối với những dự án chưa khởi công, sẽ tăng cường quản lý quy hoạch và chấp nhận đầu tư mới, chặt chẽ hơn.
Đối với quy hoạch thủy điện trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý. Theo Thủ tướng, các dự án thủy điện nhóm B, C thì phải do Bộ Công thương chấp thuận; nhóm A thì Bộ Kế hoạch Đầu tư lập hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Riêng các dự án thuộc thẩm quyền QH thì trình QH thông qua.
Tuy nhiên, “theo như rà soát thì không còn dự án thủy điện nào thuộc thẩm quyền của QH nữa vì những cái lớn chúng ta đã làm hết”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
"Thủy điện là tiềm năng, lợi thế lớn của nước ta cần phải khai thác, sử dụng. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, hiệu quả thì còn tồn tại một số hạn chế yếu kém trong quy hoạch, lập dự án, thi công; di dân tái định cư và môi trường sinh thái".