Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chỉ trong 5 năm qua, chúng ta đã liên tục chứng kiến những thảm họa thiên tai chưa từng có, nhất là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo cảnh báo từ Tổ chức Khí tượng thế giới, thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến mực nước biển dâng cao kỷ lục, với tốc độ gấp đôi so với thế kỷ 20. Cùng với đó, bão, lũ lụt, sạt lở đất, bão tuyết và giá rét, hạn hán, cháy rừng… trở nên gay gắt và kéo dài hơn. Năm 2013 là một trong 10 năm có nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850.
Hai châu lục Á – Âu là những khu vực đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất trên toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là khu vực hứng chịu khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á. Đây chính là hệ quả từ tác động khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Chính vì những thách thức nghiêm trọng đang đặt ra đó, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) về phòng chống và cứu trợ thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 18 –19/11 đã thu hút được sự quan tâm của 120 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, đại diện đại sứ quán các nước thành viên ASEM. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức.
Hội nghị cấp cao ASEM tập trung bàn thảo những vấn đề chính như: Tìm ra những kinh nghiệm điển hình, những bài học thực tiễn và chính sách hữu ích về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các nước thành viên đề xuất phương hướng, xác định các biện pháp cụ thể, những hoạt động thiết thực nhằm sớm triển khai hợp tác ASEM trong lĩnh vực này, đặc biệt là tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn và cứu trợ, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, phục hồi sau thiên tai. Một vấn đề cấp thiết nữa là sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, các viện nghiên cứu và các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai của các thành viên ASEM, giữa hai châu lục; kết nối với các cơ chế khu vực và quốc tế.
Theo bà Pratibha Mehta – Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, thảm họa thiên tai sẽ còn tiếp diễn khi mà việc mở rộng hạ tầng trên đất liền, đô thị hóa không theo kế hoạch, các thành phố lớn sẽ còn chịu ảnh hưởng từ thiên tai. Những năm qua thiên tai đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 200 triệu người trên thế giới. Ước tính từ năm 2000 đến nay, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ở các quốc gia là khoảng 2.500 tỷ USD. Bà Pratibha Mehta cho rằng, thông qua kế hoạch hành động của Liên hợp quốc để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các quốc gia nên có sự điều chỉnh về thể chế, cả cấp Chính phủ cũng như khu vực tư nhân trong đầu tư nguồn lực vào ứng phó và phục hồi các thảm họa sau thiên tai.
Ông Akihiro Shimasaki, Phòng Quản lý thiên tai và tài nguyên nước của Nhật Bản nhấn mạnh, ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai hợp tác theo Khung hành động Hyogo giai đoạn 2005 – 2015 của Liên hợp quốc.
Theo ông Akihiro Shimasaki, các nước cần ưu tiên cho nhận dạng rủi ro và đưa ra động thái can thiệp phù hợp, nâng cao nhận thức người dân và khả năng chống chọi, giảm thiểu rủi ro, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
“Hệ thống cảnh báo sớm sẽ giảm thiểu rủi ro thiệt hại về con người và kinh tế. Trong Khung hành động Hyogo giai đoạn 2 tiến hành sau năm 2015, phải nhấn mạnh tới lồng ghép rủi ro thiên tai vào kế hoach phát triển bền vững ở các ngành, địa phương. Những thiệt hại sẽ xảy ra nghiêm trọng nếu không có sự quan tâm tới củng cố xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tái thiết sau thiên tai. Việc khảo sát, nghiên cứu những thiệt hại, hiểu được đặc điểm của các loại thiên tai cũng giúp xác định được các mục tiêu đề ra”, ông Akihiro Shimasaki nói.
Ông Tom Kompier, Thư ký thứ nhất về ngành nước của Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam nêu quan điểm, nhiều thảm họa liên quan tới tài nguyên nước, ở Hà Lan bị ảnh hưởng nhiều từ biển. Sau năm 1953, Hà Lan đã thực hiện chương trình tham vọng xây đê biển để chống thiên tai từ nguồn nước, bảo vệ cuộc sống người dân.
“Chính phủ Việt Nam và Hà Lan đang hợp tác xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý nguồn nước, chống chọi với thiên tai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch nhằm phát triển bền vững lâu dài cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long là không hề dễ dàng. Chúng tôi sẽ dựa trên các phân tích đánh giá để tránh đầu tư quá mức. Những thay đổi về kinh tế xã hội, dân số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch hành động”, ông Tom Kompier chia sẻ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Từ bài học thực tiễn cho thấy, mặc dù chúng ta chưa đủ sức để chế ngự các diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhưng nếu chúng ta phối hợp chính sách hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể các thiệt hại về người và vật chất”.
Là một trong những quốc qua nông nghiệp thường xuyên chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, Việt Nam coi trọng và cam kết mạnh mẽ việc hợp tác quốc tế trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam chủ trương tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế về giảm nhẹ và rủi ro thiên tai. Đây cũng là những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai 2011 – 2020; Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Luật Phòng, chống thiên tai vừa được thông qua vào tháng 6 năm 2013.