(Tin Môi Trường) - Đến chiều 16/11, nước lũ tiếp tục chia cắt và dâng cao tại các địa bàn của tỉnh Quảng Nam.
Tại huyện Đại Lộc, nước lũ khiến khoảng 34.000 hộ dân có nhà cửa ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt, có khoảng 1.200 căn nhà ngập từ 2 m trở lên. Trong đó, xã Đại Lãnh là địa phương ngập sâu nhất, có nơi ngập đến 3 m.
Theo ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc: Huyện đã dự trữ khoảng 30 tấn gạo, 1.000 thùng mì tôm để sẵn sàng cứu trợ cho người dân”.
Quốc lộ 1 A, nước lũ đã đã tràn qua mặt đường tại nhiều điểm như: TP.Tam Kỳ, thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên), khiến CSGT phải cử cán bộ chiến sĩ túc trực hướng dẫn. Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội Tuần tra CSGT tỉnh Quảng Nam, cho biết: dù nước băng qua lộ, gián đoạn, nhưng các phương tiện vẫn lưu thông bình thường.
Ngập lớn tại Đông Phú và một số địa phương ở Duy Xuyên, Đại Lộc
Trong khi đó, đèo Le nối Quế Sơn và Nông Sơn đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tại km 24+983 trên Đèo Le, mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 20m đường vừa được sửa chữa sau cơn bão số 11.
Sạt lở trên đèo Le
Một lượng lớn đất nền đường, móng kè đá phía ta luy âm bị trôi tụt xuống hố sâu khiến cốt nền bê tông vừa đổ bị hỏng chân, tạo thành miệng hàm ếch rất nguy hiểm. Phía ta luy dương bị mưa lớn làm kết cấu đồi núi bị mềm nhão, tạo đường lằn sụt lún lớn trên đỉnh đồi, có nguy cơ đổ sập hàng trăm tấn đất đá xuống đường.
Các nhân viên của Công ty Cổ phần giao thông vận tải Quảng Nam (đơn vị sửa chữa) đã túc trực tại hiện trường để hướng dẫn người qua lại địa điểm này. Tuy vậy, bất chấp khuyến cáo, nhiều người dân vẫn qua lại nơi này.
Đoạn đường này vừa mới được sửa chữa lại, sắp hoàn thành chuẩn bị thông tuyến, nhưng mưa lớn đã gây ra sạt lở nghiêm trọng hơn. Phía trên sườn núi, hàng trăm tấn đất, đá có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Theo ông Võ Văn Bảy, đại diện đơn vị sửa chữa đường, nguy cơ tiếp tục sạt lở núi có thể xảy ra nên đề nghị ngành giao thông sớm có biện pháp ứng phó với tình trạng sạt lở.
Tại Quế Sơn, trên tuyến ĐT 611, ngập lớn tại thị trấn Đông Phú.
Ông Hồ Công Nhỉ-Trưởng thôn Thuận An, thị trấn Đông Phú cho biết : “Tại địa điểm này, do cống thoát nước nhỏ nên khi mưa lớn nước tràn qua đường và tràn vào nhà một số hộ dân. Người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng địa điểm này vẫn chưa được xử lý”.
Quảng Nam: Hàng chục ngàn nhà dân bị chìm trong lũ
Đã có hơn 1.200 nhà dân tại huyện Nông Sơn bị ngập sâu từ 0.7-1,2 m. Đường ĐT610 đã bị ngập đến khu vực Trường Tiểu học Quế Trung; đường ĐT611 thuộc xã Quế Lộc và Quế Trung đều bị chia cắt.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay: “Trong đêm 15/11 chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền cơ sở khẩn trương di dời 1.500 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu sống trong vùng bị ngập lụt sâu, nước chảy xiết, ven song… đến nơi cao ráo trú ẩn an toàn. Việc dự trữ dầu hỏa, lương thưc, thực phẩm đã được địa phương chuẩn bị trước đó, sẵn sàng chi viện cho vùng bị cô lập”.
Theo Văn phòng UBND huyện Nông Sơn, đã có một người chết do mưa lũ. Nạn nhân là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, ngụ thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn). Vào khoảng 16 giờ chiều 15/11, bà Chí đi chăn trâu về, gặp mưa lớn, không may sụp xuống cống, bị đuối nước và tử vong.
Tại huyện Duy Xuyên, các xã vùng trũng thấp, nhất là các xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh đã ngập sâu với gần 10.000 nhà dân chìm trong nước. Hiện nước lũ vẫn tiếp tục lên nhanh.
Ông Văn Bá Năm, Phó trưởng ban PCBL huyện Duy Xuyên cho biết: Từ đêm qua 15/11, chính quyền các địa phương đã tiến hành sơ tán hơn 2.000 hộ dân với 7.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, tập trung chủ yếu ở những vùng thấp, nhà cửa tạm bợ và các khu vực ven sông có nguy cơ bị sạt lở đất. Tuyến đường từ thị trấn Nam Phước đi Mỹ Sơn đã bị ngập sâu hơn 2 mét.
Trong khi đó, tại Hội An, nước lên cao hơn 2m trong khu vực phố cổ. Hàng ngàn nhà dân đã bị chìm sâu trong nước. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán dân khẩn cấp. Các phương tiện cứu hộ cứu nạn của quân đội, công an đã túc trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.