Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khu rừng sưa trên núi Cửu Hàm đang bị phá bỏ.
Lao theo cơn sốt
Cây sưa 13 tuổi lớn nhất cũng chỉ có kích thước như thế này.
Sau những trận mưa kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, anh Bùi Văn Nghĩa (người dân thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang) dẫn chúng tôi lên thăm rừng sưa mà anh đã trồng cách đây 13 năm trên núi Cửu Hàm. Gỗ sưa đã trở thành cái tên mà suốt cả chục năm nay nhiều người điên đảo. Không ít người vì nó bỗng chốc đổi đời, có kẻ lại vì nó mà tiếc hùi hụi.
Người ta săn lùng gỗ sưa không kém gì săn trầm kỳ. Chính vì lẽ đó, ai trồng được gỗ sưa chẳng khác nào trồng được “cây vàng” trong nhà. Ấy vậy mà giờ đây, cả khu vườn rừng rộng gần 5 ha với 7.000 cây sưa trồng cách đây 13 năm của gia đình anh Nghĩa giờ trông xác xơ. Phần bị chết, phần bị chặt bỏ, loại cây “tỷ phú” này giờ đang sinh trưởng quặt quẹo cùng với nhiều thứ cây tạp khác.
Nhìn vào những cây sưa sắp chặt hạ, anh Nghĩa buồn rười rượi: “Năm 2000, khi cơn sốt gỗ sưa bắt đầu bùng phát, tôi vốn là dân sơn tràng nên biết khá rõ về loại cây này. Trong đầu lúc đó chỉ suy nghĩ, giờ người ta mua 1kg gỗ sưa với giá 1 chỉ vàng, nếu mình trồng được loại cây này thì mấy chục năm sau chắc chắn sẽ trở thành tỷ phú”.
Những cây sưa còn sót lại trong vườn rừng gia đình anh Nghĩa.
Với những suy nghĩ đơn giản như vậy, anh Nghĩa đã đổ hết vốn liếng lặn lội ra tận Vĩnh Phú để tìm mua cây giống với hy vọng làm giàu. Tại thời điểm năm 2000, để có được một cây sưa non cao khoảng 10cm, gia đình anh Nghĩa phải bỏ ra 25.000 đồng. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, giá mỗi cây lên đến hơn 30.000 đồng. Để trồng được 7.000 cây sưa trên diện tích gần 5ha, 10 cây vàng mà hai vợ chồng tích góp bị “nuốt” trọn.
Dù tốn kém tiền bạc và công sức, song trong tâm trí anh Nghĩa lúc bấy giờ vẫn tin tưởng vào một ngày mai giàu có nhờ gỗ sưa. “Khi gỗ sưa sốt giá, người ta đổ xô trồng sưa. Lúc đó rừng sưa của gia đình tôi đã được 5 năm tuổi, cây bắt đầu ổn định phát triển. Chẳng dám nói ra nhưng trong đầu luôn tâm đắc cho tư tưởng táo bạo và đi trước thời đại của mình. Nghĩ về cảnh 20 năm sau từ từ hạ cây, thu vàng, trở thành tỷ phú mà lòng mừng rơn” - anh Nghĩa tâm sự.
Không chỉ ở Vĩnh Lương, trong vòng 10 năm qua đã có hàng chục héc-ta cây sưa được trồng rải rác ở nhiều xã khác của huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm... Tất cả họ đều trồng tự phát theo cơn sốt gỗ sưa nên đến bây giờ không thể có được một con số chính xác. Thậm chí, có nhiều gia đình khi chúng tôi đến tìm hiểu còn từ chối nêu tên, địa danh để tránh trường hợp mấy chục năm sau… bị kẻ xấu tìm đến trộm cây.
Thời “hoàng kim” của cây sưa bắt đầu từ năm 2006, giá giỗ sưa tăng lên vùn vụt. Loại gỗ trước đây còn đứng sau hàng hương, gõ nay bỗng nhiên trở thành “vàng ròng”. Kể từ đó, người dân Khánh Hòa cũng bị cuốn vào “cơn lốc” săn tìm gỗ sưa của giới kinh doanh, thu gom bán sang Trung Quốc. Phong trào trồng sưa cũng rộ lên từ đó. Nhiều loại cây ăn quả bị chặt bỏ để chào đón một giống cây mới có khả năng sinh lời cao. Nhà nhà mua sưa giống, người người say sưa nói về gỗ sưa, về những câu chuyện đổi đời ngỡ như cổ tích...
Từ bỏ giấc mộng
Anh Nghĩa đang từ bỏ giấc mơ “tỷ phú” bằng việc phá bỏ cây sưa.
Hiện nay giá gỗ sưa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỗi kg gỗ sưa nguyên khối tại Vạn Ninh vẫn có giá trên 20 triệu đồng. Các “ông trùm” gỗ lậu cũng như các nhà khoa học đã bỏ ra không ít công sức tìm hiểu tại sao loại gỗ này lại có sức hút và giá “khủng” như vậy, song cũng đành bất lực. Giá gỗ sưa tạo cho người ta những cái nhìn lạc quan cho việc trồng sưa, nhưng những ai đã từng trồng loại cây “tỷ phú” này mới thấy hết những khó khăn mà nó mang lại.
Khi nhắc đến 10 năm trồng sưa, chị Nguyễn Mai Hương (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) thở dài ngao ngán: “Theo các đầu nậu, gỗ sưa chỉ cần hơn 10 năm tuổi là có thể bán với giá 8 triệu đồng/cây. Tưởng dễ ăn, năm 2010, gia đình tôi gom góp và vay mượn được 1,4 tỷ đồng để mua lại 2ha rừng sưa tròn 10 năm tuổi ở khu vực núi Đồng Bé, xã Vĩnh Lương. Giờ đây khi cây đã lớn, nhờ người dắt mối để bán thì các đầu nậu ở Hà Nội nói là phải 30 năm mới đủ lõi để mua. Kiểu này coi như bị chôn tiền tỷ vào rừng sưa này rồi. Không biết gần 20 năm nữa giá sưa có còn sốt nữa không. Nếu giờ có ai mua rẻ lại vườn sưa này tôi cũng bán để gỡ lại vốn…”.
Nhìn sự bồn chồn hiển hiện trên gương mặt của chị Hương, chúng tôi biết sự lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở. Giá trị thực của gỗ sưa đến nay vẫn chưa ai khẳng định, trào lưu mua gỗ sưa và số phận những rừng sưa sẽ ra sao, thật khó có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Giá gỗ sưa sẽ như thế nào khi 50 năm nữa cây sưa non này mới cho thu hoạch.
Cũng như chị Hương, gia đình anh Bùi Hữu Nghĩa khi trồng sưa hăm hở bao nhiêu bây giờ lại thất vọng bấy nhiêu. Để nhường chỗ cho sưa, gia đình anh đã phải chặt hạ hàng ngàn gốc điều đang cho thu hoạch. “Nếu cách đây 13 năm không trồng sưa thì 5 ha điều cũng đã cho một khoản thu khá lớn. 13 năm với không biết bao nhiêu công sức và tiền của, đổi lại bây giờ rừng cây vẫn còn quặt quẹo, không biết tương lai thế nào. Thôi đành phá bỏ đi để trồng bạch đàn cho chắc ăn chú ạ, chứ cứ cái cảnh mòn mỏi này không biết đâu mà lường”- anh Nghĩa đã xót xa khi quyết định vung dao chặt bỏ rừng cây “tỷ phú” mà gia đình gầy dựng suốt 13 năm.
Bài học cho những người trồng sưa
Trong khi ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ người dân đang đua nhau trồng sưa thì ở Khánh Hòa cơn sốt trồng sưa dường như đã hạ nhiệt. Cách đây 3 năm, vườn cây cảnh nào cũng treo biển bán sưa giống, nay gần như vắng bóng.
Anh Hoàng Văn Minh (chủ một trại cây giống ở Diên An, huyện Diên Khánh) đã cười khi chúng tôi hỏi về cây sưa giống: “Giờ người ta ít trồng rồi. Mấy năm trước người ta ồ ạt mua cây giống, đã có hàng vạn sưa non được cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Nay thì không ai dám trữ loại giống cây này, bà con sợ rồi vì tuổi đời của cây sưa dài, phát triển lại chậm. Đã có quá nhiều người phá bỏ loại cây này rồi, không tin cứ về Vĩnh Lương là biết”.
Chị Tâm bên bộ bàn ghế gỗ sưa đang được giao bán để trả nợ cho việc trồng sưa.
Theo lời giới thiệu của anh Minh, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lê Thị Tâm (thôn Lương Sơn 2, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang), một “đại gia” về gỗ sưa và cây sưa. Bước vào căn nhà 3 tầng toàn đồ gỗ khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Thấy chúng tôi trầm trồ ngắm bộ bàn ghế toàn bằng gốc hoàng đàn (gỗ sưa vàng) đặt hoành tráng giữa nhà, chị Tâm bông đùa: “Mua được chị bán cho đấy, 500 triệu đồng thôi”.
Nói đoạn giọng chị lại trùng xuống buồn bã khi nói đến rừng sưa 4.000 cây vừa phá bỏ: “Thôi, chị sợ nó lắm rồi. Bao nhiều tiền của bỏ ra đầu tư nay coi như công cốc. Lúc đầu trồng nó tưởng nhanh nhưng ai ngờ gần chục năm mà cây còi cọc không lớn được. Nghe đâu để cây bán được phải tới 50 năm nên chị chấp nhận lỗ tiền đầu tư phá bỏ để trồng cây khác. Cả gia đình giờ chỉ còn bộ bàn ghế hoàng đàn là giá trị nhất nhưng có lẽ cũng phải bán nó để đầu tư cho loại cây trồng ngắn ngày khác thôi”.
Không thỏa mãn với những thông tin về gỗ sưa, chúng tôi tìm về huyện Vạn Ninh, nơi được xem là cái nôi của gỗ sưa Khánh Hòa. Tại đây, ông Lê Văn Tân - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vạn Ninh đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện ly kỳ xung quanh chuyện mua bán huỳnh đàn và những giấc mơ tỷ phú.
Ông Tâm thủng thẳng khuyến cáo: “Vài thập niên trước, núi rừng Vạn Ninh nhiều sưa lắm. Hồi đó, so với giáng hương thì sưa kém xa nên những gia đình giàu có chẳng thèm dùng nó để đóng nội thất. Khi gỗ sưa lên cơn sốt, nhiều gia đình ở Vạn Ninh bỗng chốc phát tài nhờ những bộ bàn ghế được đóng từ gỗ huỳnh đàn. Giá sưa cao, nhiều người đổ xô trồng nhưng chưa biết hiệu quả đến đâu. Bởi loại cây này có đặc tính sinh trưởng chậm, thời gian cho gỗ thành phẩm rất dài. Người trồng không cẩn trọng thì hết đời vẫn chưa được thu để hoàn vốn”.
Giữa lúc cây sưa nơi trồng, nơi phá, những ai tỉnh táo sẽ không khỏi giật mình cho kiểu làm ăn theo phong trào của người dân lâu nay. Giấc mơ làm giàu từ gỗ sưa đã khiến nhiều người khốn đốn, “bỏ ngựa giữa đường”. Đây cũng chính là bài học cho những ai đang có ý định trồng loại cây này.
Cây sưa (còn có tên khác là trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc vàng...) là một loài cây thân gỗ thuộc họ đậu, thân màu vàng nâu (hoặc xám), có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis. Ở Khánh Hòa loài cây này phân bổ chủ yếu ở Vạn Ninh. Theo số liệu của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (UINC) công bố năm 1997, sưa là loại cây hiện đang bị đe dọa mất môi trường sống ở cấp sắp nguy cấp.
Theo quy định trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP năm 2006, gỗ sưa thuộc nhóm 1A (nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).