Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều người dân nghèo Phiippines trắng tay sau siêu bão Haiyan. Người dân vùng bị nạn lên tiếng khiển trách phản ứng chậm chạp của chính phủ sau khi bão đổ bộ. Ảnh: AFP
Siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung Philippines hôm 8/11, gây thiệt hại lớn về người và của. Thống kê tổng số người thiệt mạng thay đổi liên tục. Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Nguy cơ Thiên tai Quốc gia Philippines (NDRRMC) hôm qua công bố số người chết được xác nhận là 2.300 người, tức là vượt xa thống kê trước đó là 255 người. Chính quyền tỉnh Leyte, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất, trước đó ước tính khoảng 10.000 người thiệt mạng. Con số nào cũng có lý lẽ của nó, là bởi những người đưa ra ước tính chưa tiếp cận được hết các nơi bị tàn phá.
Mặc dù chính phủ Philippines đã nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ, lực lượng cứu trợ nước này vẫn chưa thể tiếp cận được các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. "Hãy đưa cứu trợ quốc tế đến đây ngay, không phải ngày mai mà là ngay bây giờ. Nơi đây thật sự khủng khiếp, còn hơn cả địa ngục", CNN dẫn lời cô Magina Fernandez, một người dân Tacloban đã mất hết nhà cửa và công việc kinh doanh vì siêu bão Haiyan.
Cũng như rất nhiều người dân Tacloban khác, Fernandez bày tỏ sự tức giận với Tổng thống Philippines Begnino Aquino, bởi sự chậm chạp của chính phủ trong công tác cứu nạn.
Philippines đã quen với việc hứng chịu khoảng 20 cơn bão nhiệt đới mỗi năm và Haiyan là cơn bão thứ 25 đổ bộ vào quốc gia này trong năm nay. Họ không xa lạ gì với bão. Vậy đâu là câu trả lời cho sự chậm trễ trong cứu nạn?
Lý do khách quan duy nhất là bởi bão Haiyan quá lớn, với sức gió khi đổ bộ đạt 320 km/h gây nước dâng và sóng lớn khiến các khu vực dân cư ven biển hứng chịu tổn thất lớn. Nhưng, "câu trả lời rõ ràng nhất và cũng khó giải quyết nhất cho sự thiếu chuẩn bị của chính phủ Philippines, đáng buồn thay chính là tình trạng đói nghèo tại quốc gia này", bình luận viên Max Fisher thuộc Washington Post cho biết.
Theo thống kê của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), GDP bình quân đầu người của Philippines năm 2012 đứng thứ 165 trong 229 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngay dưới Congo thuộc khu vực Trung Phi.
Nhà cửa của người dân vùng bị nạn đa phần được xây dựng bằng vật liệu gỗ có trọng lượng nhẹ. Chính phủ nước này cũng không có đủ nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng để ứng phó với bão và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ.
4 ngày sau siêu bão, thành phố Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, vẫn gần như không thể tiếp cận. Các nhân viên cứu trợ cho biết họ phải mất đến 6 tiếng cho để chuyển đồ cứu trợ từ sân bay vào trung tâm thành phố với cự ly chỉ có 22 km. Các quan chức địa phương cho biết, hệ thống điện và viễn thông có thể sẽ vẫn tiếp tục bị ngắt trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng tới, càng trì hoãn hơn nữa nỗ lực cứu hộ.
Khả năng tập trung quản lý thấp
Hàng trăm nạn nhân xếp hàng tại sân bay Tacloban để nhận hàng cứu trợ, nhưng số lượng cũng rất có hạn, bởi hệ thống cầu đường và sân bay bị bão phá hủy gây khó khăn cho việc tiếp tế. Ảnh: AFP
Đặc điểm đa dạng và phân tán của hệ thống chính trị Philippines khiến chính quyền trung ương gặp nhiều khó khăn trong công tác tập trung điều hành. Quốc gia này có tới hơn 100 ngôn ngữ, trong đó có 8 ngôn ngữ địa phương được công nhận. Chính quyền địa phương cấp tỉnh có mức độ tự chủ rất cao.
Cơ chế quản lý này có thể giúp nền chính trị Philippines ổn định, nhưng lại gia tăng rào cản khi chính quyền trung ương đưa ra các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hay khi cần tập trung nguồn lực đối phó với thảm họa thiên tai lớn.
Điều này cũng giải thích cho việc chính phủ nước này đến nay chỉ điều động ba máy bay quân sự để đưa hàng cứu trợ đến Tacloban và di tản người bị nạn, trong khi thành phố này là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại nhất.
Quân đội Philippines cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập lại trật tự tại các khu vực bị nạn. Nạn cướp bóc và hôi của diễn ra ngày càng nghiêm trọng với việc đoàn xe của các nhóm cứu trợ cũng bị tấn công. Điều này một phần nào phản ánh tình trạng phạm tội nghiêm trọng của quốc gia này, ngay cả trước khi siêu bão Haiyan đổ bộ.
"Mặc dù Cảnh sát quốc gia Philippines đã thực hiện nhiều biện pháp bao gồm thiết lập các trạm kiểm soát, nhưng bọn tội phạm vẫn đang thách thức chính phủ", Washington Post dẫn lời ông Manuel Roxas, Bộ trưởng Nội vụ Philippines trong một bài phát biểu đầu năm nay.
Cũng giống như Philippines, Nhật Bản phải gánh chịu nhiều tàn phá từ thiên tai, đặc biệt là động đất. Quốc gia này cũng từng không có khả năng chống chọi với hiện tượng động đất diễn ra thường xuyên. Trong vụ động đất năm 1923 tại Tokyo, hơn 140.000 người dân đã thiệt mạng. Tuy nhiên, các tòa nhà lớn ở Nhật Bản hiện nay được gia cố với hệ thống thủy lực phức tạp. Rất nhiều hộ gia đình được kết nối với hệ thống báo động động đất ngoài khơi - thứ có thể gây ra sóng thần. Trẻ con được huấn luyện từ nhỏ để có thể phản ứng kịp thời khi thiên tai ập đến.
Trong vụ động đất 9 độ Richter kéo theo sóng thần năm 2011, chỉ có 25 trong 170 bệnh viện phản ứng khẩn cấp của Nhật Bản quá tải, bởi người dân chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh sơ tán của chính phủ và gần như không tồn tại tình trạng cướp bóc, hôi của. Sau khi vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra, chính phủ Nhật Bản sơ tán thành công 500.000 thường dân và triển khai 100.000 binh sĩ, 190 máy bay, 45 tàu chỉ trong vòng hai ngày.
Sự khác biệt trong công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai giữa Nhật Bản và Philippines tựu chung là do tiềm lực tài chính chênh lệch giữa hai nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và khả năng huy động quân đội nhanh chóng, rộng khắp đều rất tốn kém. "Nhưng sâu xa hơn là khả năng tập quản lý tập trung của chính phủ nhằm đoàn kết người dân ứng phó kịp thời trước nguy cơ", ông Fisher tổng kết.