Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nâng cao nhận thức của người dân vùng cao về tác hại của lá ngón

(10:10:57 AM 14/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Tại các huyện vùng núi cao phía Tây của tỉnh Nghệ An, có thể dễ dàng tìm thấy cây lá ngón mọc xen với những bụi cây khác trên sườn núi. Chính vì mọc ở khắp nơi, nên lá ngón đang là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng đối với trẻ em vùng cao cũng như những người có suy nghĩ bồng bột, nóng vội.

Đầu năm 2011, cái chết của 2 em Hạ Y Rư và Hạ Y Hua ở bản Đông Giới, xã Tây Sơn, đã khiến người dân quanh vùng không khỏi đau xót. Nguyên nhân xuất phát từ việc 3 cháu nhỏ là Hạ Y Lìa, Hạ Y Rư và Hạ Y Hua (đều 8 tuổi) vào chơi trong trường học, bị bảo vệ nhà trường dọa là sẽ báo cho bố mẹ biết. Do sợ bị báo bố mẹ biết nên ba em đã hái lá ngón ăn, kết quả là hai em Hạ Y Rư và Hạ Y Hua chết ngay lập tức. 


Hay người dân xã Huồi Tụ vẫn còn nhớ như in cái chết của Lầu Y No sau Tết Nguyên đán năm 2012. Đồng bào dân tộc Mông có tục bắt vợ là một trong những nét đẹp văn hóa từ xưa, nhưng ngày nay đã có nhiều biến tướng làm mất đi nét đẹp văn hóa và đôi khi còn dẫn đến những hậu quả thương tâm không đáng có. Theo tục bắt vợ của người Mông, Xồng Bá Khư ở xã Mường Lống đã cùng rủ một số người bạn khác bắt Lầu Y No, người con gái đẹp nhất trong bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, mang về làm vợ. Sau 3 ngày để Lầu Y No trong nhà mình để thuyết phục, nhưng cô nhất quyết không nghe và theo tục là phải thả cô về với gia đình, nhưng Xồng Bá Khư vẫn kiên quyết đưa cỗ lễ đến ép gia đình để Lầu Y No phải làm vợ mình. Không chịu kết duyên với người mình không yêu, Lầu Y No đã hái lá ngón phía sau nhà ăn tự tử để giải thoát cho chính mình. 


Thực trạng trên cho thấy, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt và xem nhẹ việc tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại nguy hiểm của lá ngón, cũng như chưa có biện pháp chặt phá, tiêu hủy loại cây nguy hiểm này. 


Ông Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho biết, tại địa phương lá ngón có ở khắp mọi nơi, trên những ngả đường đến trường của các em nhỏ, mọc xen kẽ trên nương rẫy, thậm chí sát vách nhà. Trước nhiều cái chết không đáng có xảy ra trên địa bàn những năm gần đây, chính quyền xã Huồi Tụ đã tích cực vận động người dân chặt phá, tiêu hủy cây lá ngón ở khu vực xung quanh xã. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền cho đông đảo người dân địa phương về sự nguy hiểm của lá ngón, đặc biệt là đối với lớp trẻ em vùng cao, những người còn thiếu nhận thức về tác hại của cây lá ngón. Cùng với chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ cũng cần tạo ra môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ nhỏ và thường xuyên nhắc nhở con cái không được chơi, nghịch hoặc ăn thử lá ngón. Mọi người dân cũng cần biết cách giải độc người ăn lá ngón kịp thời theo kinh nghiệm dân gian như: Ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho người mát, bằng mọi cách giúp người bệnh nhanh chóng nôn ra càng sớm càng tốt, sau đó kịp thời đưa đến trạm y tế gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột. 


Có thể nói việc chặt phá, tiêu hủy cây lá ngón là một trong những việc làm cần thiết của các cơ quan chức năng hiện nay. Tuy nhiên, quan trọng hơn là chính quyền địa phương cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của cuộc song, cũng như đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại của lá ngón đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, để tránh những cái chết không đáng có.

(TTXVN)