Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra trong buổi thảo luận tại Hội trường với nội dung Quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Quy hoạch thủy điện có tính “định hướng”
Được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phát biểu sau một loạt ý kiến của ĐBQH nêu ra những bất cập trong vấn đề quy hoạch tổng thể thủy điện hiện nay, trong đó nổi lên vấn đề “thủy điện mọc lên như nấm” và loại bỏ “cũng như nấm” gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương mở đầu bằng ý kiến cho rằng quy hoạch thủy điện là quy hoạch “mang tính đặc thù”.
Ông Hoàng dẫn giải: Dựa trên tiềm năng lợi thế của chúng ta, qua việc tổng hợp nghiên cứu bước đầu về hệ thống sông ngòi của Việt Nam, chúng ta đưa ra quy hoạch thủy điện để định hướng khai thác. Cho nên, quy hoạch thủy điện chủ yếu mang tính đinh hướng, thể hiện mong muốn.
Quy hoạch thủy điện vì thế không phải quy hoạch bất biến, cố định mà là quy hoạch mở, động, luôn phải được rà soát, sửa đổi, loại bỏ những cái không khả thi và bổ sung những cái khả thi.
Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ “là quy hoạch của cả nước, không phải quy hoạch riêng của Chính phủ, cũng không phải quy hoạch riêng của Bộ công thương”.
Theo đó, từ năm 2006 trở về trước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các thủy điện bậc thang, Bộ công nghiệp lúc đó phê duyệt các dự án thủy điện vừa, nhỏ. Nhưng từ 2006 trở lại đây do phân cấp tất cả quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt. Các địa phương khi xem xét các dự án mình lựa chọn thì có tham khảo ý kiến các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, nhưng quyết định phê duyệt dự án là của địa phương.
“Vì thế, nói về câu chuyện quy hoạch thủy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện nhỏ, là nói về câu chuyện của chúng ta, không chỉ nói riêng về Chính phủ, Bộ ngành nào cả. Chúng tôi muốn nói rằng công tác này là của toàn xã hội, của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Dừng Đồng Nai 6 và 6A: Thiệt hại 12 tỷ đồng
Về vấn đề rà soát quy hoạch, nhiều ý kiến chất vấn, thảo luận nói rằng tại sao sau khi Quốc hội có Nghị quyết thì Chính phủ mới rà soát và tại sao trong thời gian ngắn đã loại ra tới hơn 400 dự án?
Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết không phải chờ đến khi có nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ mới rà soát mà trên thực tế, do quy hoạch thủy điện là quy hoạch mở nên việc rà soát đã được làm thường xuyên từ trước đến nay.
Ông Hoàng đưa ra các con số dự án bị loại bỏ từ năm 2005 đến nay để cho thấy “Chính phủ không có sức ép gì phải rà soát dự án mà đây là công việc thường xuyên để từng bước có tính toán phù hợp”.
Một số ý kiến ĐBQH nói rằng có những dự án không khả thi, không ai quan tâm nên mới loại khỏi quy hoạch song Bộ trường Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Không hẳn như thế”.
Bởi trong 424 dự án bị loại bỏ, có dự án có tính khả thi về kinh tế nhưng không đảm bảo vấn đề môi trường, xã hội. Hơn nữa trong những năm gần đây, tình hình đầu tư khó khăn nên có dự án khả thi, doanh nghiệp quan tâm nhưng không đủ khả năng tài chính để thực hiện.
“Ngay cả có dự án đang xây dựng, đang vận hành cũng gặp khó khăn. Báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương và các Bộ, ban ngành đã phải giải quyết cho một số dự án thủy điện nhỏ đã xây dựng, vận hành nhưng rất khó khăn bằng cách nâng giá mua điện của EVN để nâng hiệu quả dự án lên cho tốt hơn”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Với 424 dự án đã bị loại bỏ, Bộ trưởng Bộ Công thương thông tin: Ngoài dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thì các dự án còn lại hầu như không có chi phí gì đáng kể vì hầu hết ở giai đoạn đang nghiên cứu, thậm chí có dự án mới đặt trên quy hoạch thì không thể có thiệt hại được.
Với 2 dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, tổng số đã chi phí là 12 tỷ đồng trong đó có 10 tỷ cho lập dự án đầu tư và 2 tỷ cho báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết trong các bước thực hiện dự án thì có thể có những bước chi phí ra nhưng không thu lại được.
“Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì”
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và sau vài ý kiến các của ĐB khác thì đến lượt ĐB Ngô Văn Minh (QuảngNam) phát biểu. Nhưng ông Minh không tiếp tục thảo luận về quy hoạch thủy điện mà bày tỏ ý kiến của mình trước những lý lẽ mà Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra.
Theo ông Minh, sau giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương,ông đồng ý là cần làm tốt hơn để có quy hoạch và vận hành thủy điện tốt hơn nữa.Tuy nhiên, ông cho biết ông “không hiểu Bộ trưởng nói gì”.
“Bộ trưởng nói ý “câu chuyện của chúng ta, chúng ta nói về chúng ta”. Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì. Chúng ta nói từ đa nghĩa, hiểu kiểu gì cũng được là không nên”, ông Minh nói.
Theo ông, nói như Bộ trưởng Bộ Công thương “chúng ta nói về chúng ta” thì có thể hiểu rằng những vấn đề về thủy điện đều có trách nhiệm của các ĐBQH ngồi đây. Ông thẳng thắn: “Tôi đồng ý nếu các ĐBQH bấm nút sai, biểu quyết sai. Nhưng có phải như vậy không? Các ông cần phải nghĩ lại, về địa phương để hỏi, không nên nói như thế”.
Là người phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận, ông Minh nói về thiệt hại do bất cập trong quy hoạch thủy điện bằng những lời phủ định ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một cách mạnh mẽ: “Không thể chấp nhận với lý lẽ cho rằngquy hoạch thủy điện của chúng ta là quy hoạch mở, quy hoạch động, rằng loại bỏ 424 dự án mà không có thiệt hại gì”.