Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Nam: Phá rừng phòng hộ nuôi tôm

(08:55:46 AM 12/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhiều người dân ở Quảng Nam thấy giá tôm tăng cao, đua nhau phá rừng dương, vét hồ nuôi tôm bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương

Không chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL, Phú Yên, Khánh Hòa..., những ngày gần đây, thương lái Trung Quốc gom hàng, đẩy giá tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tăng cao khiến nhiều người nuôi khấp khởi, đua nhau chặt phá rừng dương phòng hộ, đào ao nuôi tôm.

 

Dồn bán cho thương lái Trung Quốc

 

Ông Đặng Hồng Võ, chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn 5 (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành), cho biết tôm thẻ chân trắng (loại 70 con/kg) có giá 160.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này vào năm ngoái, giá loại tôm này chỉ 110.000 đồng/kg. “Lâu nay, mỗi khi được mùa tôm thì bị tư thương ép giá. Nay thì khác, giá tôm liên tục tăng từ đầu năm đến nay” - ông Võ bộc bạch.
 
Nhiều diện tích dương phòng hộ ven biển bị người dân đốn hạ để làm ao tôm
 

Ông Nguyễn Văn Sanh (SN 1956, ngụ xã Tam Hòa) cho biết lúc trước, thương lái rất kén hàng, chỉ thích loại tôm cỡ lớn, nay họ mua cả tôm cỡ nhỏ, loại trên 100 con/kg. Ngoài ra, các thương lái còn rất dễ dãi, họ không mua theo giá cố định mà cứ trả giá luôn cao hơn so với giá mua của doanh nghiệp trong nước từ 15%-20%. Đáng quan ngại là họ mua mà không màng tới việc kiểm soát kháng sinh trong tôm.

 

Một tư thương thu mua tôm ở xã Tam Hòa cho biết trước đây, bà mua tôm rồi bán lại cho các công ty chế biến thủy sản tại TP Đà Nẵng. Thời gian gần đây, do thương lái Trung Quốc mua với giá cao hơn nên bà đã chuyển sang bán cho họ. “Tôi cũng không hiểu Trung Quốc nhập tôm về làm gì mà họ lại đẩy giá tôm lên như vậy. Chúng tôi đi buôn, chỗ nào lời nhiều thì bán, không tìm hiểu rõ làm chi” - người này cho biết.

 

Theo thương lái này, nếu trước đây khi bán cho các công ty chế biến thủy sản, bà chỉ cần dùng các phuy to chứa nước và đá lạnh để ướp tôm thì bây giờ phải chở rất nhiều thùng xốp và cả máy xay đá để cấp đông tôm tại hồ bán cho thương lái Trung Quốc chuyển ra Lạng Sơn rồi đưa sang Trung Quốc.

 

Phá rừng, vay tiền nuôi tôm

 

Những ngày này, theo đường Thanh Niên chạy qua các huyện ven biển của tỉnh Quảng Nam, nhất là đoạn từ xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) đến xã Tam Tiến (huyện Núi Thành), đâu đâu cũng bắt gặp cảnh xe múc, xe ủi thi nhau đào bới, xây dựng ao nuôi tôm. Nhiều diện tích rừng dương phòng hộ ven biển ở xã Tam Tiến đã bị người dân đốn hạ, cây vẫn còn rỉ mủ chất đống hai bên đường.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ (SN 1968, ngụ thôn 2, xã Tam Tiến) cho biết thấy người dân trong thôn nuôi tôm thẻ chân trắng lời quá nên ông đầu tư 150 triệu đồng cải tạo ao tôm đất thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. “Tôi cũng cố gắng đổ cát hơn 1 sào để nuôi tôm. Nếu thuận lợi, chỉ cần trúng một vụ thì có thể lấy lại vốn và còn lời được khoảng 100 triệu đồng” - ông Thọ hy vọng.

 

Ông Huỳnh Văn Tính (SN 1969, ngụ thôn 3, xã Tam Tiến) cho biết ông có một mảnh đất rộng hơn 1 sào lâu nay chỉ trồng khoai, thu nhập rất thấp. Nay thấy nhiều người trong thôn đào ao nuôi tôm nên ông cũng đi vay gần 100 triệu đồng để nuôi tôm. “Vợ chồng tôi cũng lo lắm. Mình chưa có kinh nghiệm, cũng không biết nuôi xong có bán được hay không nhưng thấy nhiều người làm thì mình cũng làm” - ông Tính nói.

 

Theo ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, từ khoảng tháng 4-2013 đến nay, giá tôm trên địa bàn xã được đẩy lên rất cao cho nên người dân bất chấp, chặt phá cây dương phòng hộ ven biển để làm ao tôm. Trước tình trạng trên, chính quyền xã lập biên bản, tịch thu tang vật nhưng cán bộ xã xuống ban ngày thì họ lại chuyển sang làm ban đêm. Xã chỉ còn cách tuyên truyền, báo cáo lên cấp trên. Nhiều lần cán bộ huyện, tỉnh về tuyên truyền nhưng vì lợi nhuận quá lớn, người dân vẫn bất chấp.

Đáng lo ngại

 

Ông Nguyễn Giúp nhận định giá tôm tăng đột biến chắc chắn là chiêu trò của người Trung Quốc. Có thể nhằm 3 mục đích: Thứ nhất, đánh vào tâm lý người dân, khi thấy lãi nhiều, tất cả các ngư dân không còn bám biển, giữ ngư trường mà trở về nuôi tôm; thứ hai, phá giá tôm làm cho các công ty chế biển thủy sản thiếu nguyên liệu, mất hợp đồng; thứ ba, để người dân thấy lợi trước mắt đua nhau đầu tư nuôi tôm; khi các công ty không còn thu mua, lúc đó giá tôm cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào các thương lái này. “Việc giá tôm tăng đột biến là rất bất thường và đáng lo ngại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân, có phương án cưỡng chế những người đào ao nuôi tôm trái phép” - ông Giúp khẳng định.

 

Trần Thường (báo NLĐ)