Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nguy cơ cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam

(09:01:55 AM 11/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Bộ Y tế lo ngại khả năng cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời điểm đông xuân, khi mà mới đây Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 02 trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại tỉnh Quảng Đông và Triết Giang và đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

 

 Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguy cơ cúm A(H7N9) xâm nhập và bùng phát ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong mùa đông xuân, thời tiết lạnh, thuận lợi cho vi rút phát triển, trong khi đó việc nhập lậu gia cầm qua biên giới chưa kiểm soát hiệu quả. Tại nước láng giềng Trung Quốc đến nay đã có 139 trường họp mắc cúm A(H7N9) trong đó 45 trường hợp tử vong. Mới nhất tại Trung Quốc đã ghi nhận 02 trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại tỉnh Quảng Đông và Triết Giang và đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

 

Trước nguy cơ dịch cúm xâm nhập, để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập vi rút cúm A(H7N9) vào Việt Nam và không bùng phát thành dịch, Cục Y tế dự phòng đề các địa phương khẩn trương chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt khu vực biên giới phía Bắc. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ tổ chức khám sàng lọc cách ly, xử lý kịp thời hạn chế lây lan.

 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai biện pháp xử lý ổ dịch, tổ chức thường trực chống dịch; phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm các 0 dịch cúm trên gia cầm trong đó có nguyên nhân từ cúm A(H7N9), kịp thời thông báo cho ngành y tế khi có dịch trên gia cầm và thực hiện xử lý triệt để dịch hạn chế lây lan.

 

Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

 

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh; cung cấp kịp thời thông tin tới cộng đồng để người dân không hoang mang, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Ngành y tế các địa phương cũng cần phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương và các ngành có liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm; đẩy mạnh hoạt động quản lý mua bán gia cầm, hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Các triệu chứng chính khi mắc bệnh cúm A (H7N9):

Bệnh nhân bị nhiễm virut cúm A (H7N9) có các triệu chứng: sốt đột ngột, viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh (ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp).

 

Biện pháp phòng bệnh chung:

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sạch, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc.

- Tránh tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm, chết. Khi phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách từ 1-1,5m.

- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch không đặc hiệu:

+ Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi lao động.

+ Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp, không khạc nhổ bừa bãi.

+ Súc họng 2 lần/ngày (sáng dậy, tối trước khi đi ngủ) và nhỏ mũi bằng nước muối 0,9%.

+ Nơi ăn, ngủ bảo đảm thông thoáng, hằng tuần tối thiểu phải 1 lần phơi toàn bộ quần áo, chăn, màn vào ngày trời nắng.

+ Khi có các triệu chứng sốt, ho, viêm họng phải đến ngay quân y để được khám và điều trị kịp thời.

- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho thủ trưởng và quân y đơn vị.

BTV (tổng hợp)