Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với pv đã khẳng định như vậy và cho biết: Về mặt tâm linh, tượng trong chùa là di sản chung chứ không phải của riêng nhà sư trụ trì nên không được tự ý di chuyển. Nếu là di tích quốc gia thì càng không được phép.
“Luật pháp đã qui định, với di tích quốc gia thì tất cả phải giữ nguyên hiện trạng, kể cả kết cấu, kiến trúc cũng như các hiện vật đặt trong các di tích quốc gia như chuông, khánh, pho tượng”.
Ông Lê Như Tiến cho biết thêm, việc trục xuất các vị sư trụ trì không đủ tư cách ra khỏi địa phương phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và giáo hội Phật giáo. Nhưng khi có dấu hiệu về những sai trái của các vị trụ trì thì chính quyền địa phương có quyền đề nghị phối hợp với ngành Phật giáo để xử lý. Điều này chúng ta đã từng thực hiện rồi.
Đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho ý kiến đối với việc với người dân tố cáo nhà sư Thích Minh Phượng, trụ trì Chân Long Tự tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết: “Việc thay tượng là thực hiện theo Luật Di sản chứ không thể tùy tiện muốn làm thế nào thì làm”.
Về chuyện bất hòa giữa người dân và nhà sư, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết “Chưa nắm được kỹ nhưng ở đâu thì nhà chùa cũng phải được lòng dân. Việc này Thành hội Giáo hội Phật giáo TP. Hà Nội sẽ xem xét để có ý kiến.
Ngoài ra, theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, nếu một nhà sư không được lòng dân, có nhiều điều tiếng việc điều chuyển hay xử lý thế nào là trên cơ sở lòng dân.
Đóng đinh lên đầu tượng cổ
Bức tượng được cho là giống đến 90% chân dung sư trụ trì bị người dân mang ra chợ bêu xấu
Những ngày này, người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội vẫn chưa hết bức xúc. Tại cửa chùa thường xuyên có rất đông bà con tập trung để tìm trụ trì Thích Minh Phượng “hỏi cho ra nhẽ”. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay, vị sư này đã biến mất khỏi địa phương.
Theo thông tin từ phía người dân xã Chàng Sơn, Hà Nội, từ khi về chùa Chân Long, trụ trì Thích Minh Phượng đã thay toàn bộ bát hương hiện có trong chùa bằng những chiếc bát hương mới, rẻ tiền và được cho là mua từ chợ Nủa – một chợ trong huyện Thạch Thất.
Bên cạnh đó, vị trụ trì đã tự ý mua và thay những pho tượng cổ bằng những pho tượng mới, tự ý cho thay đổi vị trí của các pho tượng cổ trong chùa theo ý của mình mà không được sự cho phép của chính quyền xã Chàng Sơn và sự đồng ý của người dân khiến họ bức xúc.
Khoảng tháng 5/2012, nỗi bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm khi hàng nghìn người dân ở xã Chàng Sơn phát hiện pho tượng cổ Vua Cha Ngọc Hoàng có niên đại hơn 400 năm được thờ tại gian hậu điện bỗng dưng biến mất mà không ai biết nguyên nhân.
Theo lời những người dân tại đây thì trụ trì Thích Minh Phượng nói pho tượng do được làm bằng đất, nhiều năm tuổi nên đã bị vỡ, hỏng và sư Phượng đã để cho các vãi trong chùa đem đổ xuống sông Tây Ninh.
Việc làm này khiến từ trẻ em đến người già ở 7 thôn của xã Chàng Sơn đều bức xúc đến mức phẫn nộ. Họ cho rằng nhà sư Thích Minh Phượng đã làm vậy để ai cũng phải cúng bái và quỳ dưới chân ông ta.
Đặc biệt là việc những pho tượng lớn trong chùa đều bị đóng đinh trên đầu, tai và thân tượng để treo các hộp nhử mối...
Cụ Đỗ Khắc Thường - đội 6, xã Chàng Sơn bức xúc: “Một số tượng phật nhỏ giờ không còn, từ xưa, mỗi một tượng phật có 1 bát nhang nhỏ nhưng hiện nay đã bị mất hết. Chúng tôi có cha mẹ mất, vào chùa để cúng mà còn ra giá với chúng tôi là 5 triệu đồng/lần. Hơn nữa còn đóng đinh vào tai, đầu tượng, chúng tôi yêu cầu phải làm lễ để gỡ bỏ hết những vật treo bung beng trên thân tượng”.
Với những sự việc đã xảy ra, người dân đã thông báo cho chính quyền địa phương và căng lều, bạt ngủ tại chùa để canh và trông tượng. Sau khi trụ trì bỏ đi khỏi chùa, ngôi chùa cũng bị đóng cửa và không có người trông nom.