Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Họp trực tuyến ứng phó với siêu bão mạnh nhất lịch sử trên Biển Đông

(16:15:48 PM 08/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Ứng phó với siêu bão Haiyan được đánh giá là mạnh nhất lịch sử trên Biển Đông trong cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ đề nghị xem xét có thể công bố tình trạng khẩn cấp đối với những vùng bão có thể đổ bộ vào.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp chiều 8-11 ban biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan với sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN); Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh, thành phố.
 
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ sự nguy hiểm của siêu bão Haiyan (Hải Yến). Đây là một cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từ trước tới nay tại Biển Đông và có khả năng trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử từ trước đến nay khi đổ bộ vào đất liền nước ta.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước.
 
Ông Bùi Minh Tăng -  Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn  Trung ương, cho biết từ chiều hoặc đêm mai (9-11) khi bão gần bờ, Trung tâm sẽ tăng thời lượng dự báo khoảng 1 giờ/1 bản tin để cảnh báo cho nhân dân, các cơ  quan để phòng tránh, đối phó.
 
“Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta, chúng tôi nghĩ rằng trong trường hợp này có lẽ cần phải xem xét có thể công bố tình trạng khẩn cấp đối với những vùng bão có thể đổ bộ vào” - ông Tăng đề xuất.
 
Ảnh vệ tinh cho thấy rất rõ mắt bão của siêu bão Haiyan - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
 
Ông Cao Đức Phát - Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, cho biết trước diễn biến cực kỳ nguy hiểm của siêu bão Haiyan, nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày hôm nay (8-11) là trước 19 giờ, tất cả tàu thuyền đang hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 8 đến Nam vĩ tuyến 16 và Đông kinh tuyến 112 phải ra khỏi khu vực này.
 
Trước 19 giờ tối mai (9-11), toàn bộ tàu thuyền ở Bắc vĩ tuyến 11 đến Nam vĩ tuyến 20 phải vào bờ, neo đậu an toàn.

Theo ông Phát, hiện nay ở trên biển, tại các vùng nguy hiểm, vẫn còn một số lượng rất đông tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động. “ Cần phải nắm thông tin liên lạc với từng tàu, và hướng dẫn ngư dân thoát khỏi nơi nguy hiểm về bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn” - ông Phát yêu cầu.
 
Với siêu bão Haiyan, ông Cao Đức Phát cho biết ngay cả khi tàu thuyền neo đậu ở bờ cũng có thể bị va đập và chìm tàu rất nhiều.
 
“Vì vậy nếu tàu thuyền nào có thể đưa được lên bờ thì kéo lên bờ, còn không thì phải neo đậu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn” - ông Phát nhấn mạnh.
 
Ông Phát đặc biệt nhấn mạnh: Tại khu vực tâm bão đi qua, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, gió mạnh trên cấp 10, vì vậy dứt khoát phải yêu cầu và cưỡng chế tất cả mọi người lên bờ, không để bất kỳ ai ở lại trên biển.
 
Đối với trên đất liền, ông Phát cho biết với sức gió khi siêu bão Haiyan đi qua, rất có thể những căn nhà cấp 3, cấp 4 có nhiều nguy cơ tốc mái, đổ tường và sụp đổ, và ngay cả những công xưởng bằng khung thép cũng có thể sụp đổ.
 
Ông Phát Kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương sơ tán dân. Khu vực sơ tán dân sẽ là từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, có thể 1 phần phía bắc tỉnh Bình Định. Tất cả khu dân cư ở ven biển phải sơ tán triệt để.
 
Theo dự báo, có thể sớm là 4 giờ sáng ngày 10-11 bão sẽ đổ bộ. "Trước 19 giờ tối mai (9-11), tất cả phụ nữ, người già, trẻ em phải sơ tán trước, sau đó là đến đàn ông. Nếu ở lại thì không thể ai có khả năng cứu được” - ông Phát cảnh báo.
 
Ông Phát rất lo lắng trước cảnh báo của Khí tượng thủy văn khi nước biển sẽ dâng từ 4-6 m, nên cần di dời hết dân ở vùng thấp và ven biển.

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 13 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km/giờ), giật trên cấp 17. 

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35 km. Như vậy khoảng tối nay (8-11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông.

 

Đến 13 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km/giờ), giật trên cấp 17.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35 km.

 

Đến 13 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật trên cấp 17.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi dọc các tỉnh ven biển Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoảng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

 

BTV (tổng hợp)