Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Có thể tìm rùa Hoàn Kiếm khác
Ngược với quan điểm trên, nhiều nhà khoa học khác cho rằng, ngay cả khi xác định chính xác Rùa Hoàn Kiếm là loài còn lại duy nhất trên thế giới, việc ghép đôi sinh sản với cá thể ở Đồng Mô cũng không có vấn đề gì.
Chuyên gia Tim McCormack
Các nhà bảo tồn rùa quốc tế đang thực hiện một dự án bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm táo bạo, theo đó, sẽ thúc đẩy càng sớm càng tốt việc duy trì nòi giống của Rùa Hoàn Kiếm bằng việc cho phối giống với một con rùa gần nhất về mặt gene và di truyền.
“Đấy là cách thiết thực nhất để góp phần bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm thay vì chìm đắm vào tranh cãi vấn đề gene. Nói dại, một mai cụ Rùa Hoàn Kiếm ra đi mà không kịp có con nối dõi tông đường thì đấy là tổn thất to lớn trong tâm linh người Việt”, Tim McCormack, chuyên gia về rùa thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á, tâm sự.
Nhân giống Rùa Hoàn Kiếm bằng việc cho ghép đôi với rùa Đồng Mô được cho rằng không thể, do chưa có tài liệu khẳng định hai cá thể này cùng loài. Theo ông thì sao?
Theo tài liệu của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á, thế giới ghi nhận còn bốn cá thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể, một sống ở hồ Hoàn Kiếm và một tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Hai con còn lại được nuôi nhốt tại Trung Quốc. Chính vì vậy cần bảo tồn loài rùa sắp tuyệt chủng này bằng cách ghép đôi sinh sản.
Tôi biết hiện đang có nhiều tranh cãi xung quanh việc hai cá thể rùa Hoàn Kiếm và Đồng Mô có cùng loài hay không. Cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới vẫn cho rằng hai cá thể này cùng một loài. Những tài liệu của các nhà khoa học Đức mà tôi hiện có trong tay cũng khẳng định điều đó.
Một nhà khoa học Việt Nam là ông Lê Đức Minh, ở Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường (CRES), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cũng ủng hộ quan điểm này. Nghiên cứu về gene Rùa Hoàn Kiếm, ông cho rằng cả ba loài rùa Đồng Mô, rùa Hoàn Kiếm, và loài rùa ở Trung Quốc là cùng một loài.
Dù vậy, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á không quan tâm tới phân tích cấu trúc gene. Nếu rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam với rùa ở Trung Quốc cùng loài hay không cùng loài, Chương trình vẫn tuân theo những phân tích đó và mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để bảo tồn.
Nếu chúng ta cứ chú trọng tới việc tranh cãi các cá thể ấy cùng loài hay khác loài, tất sẽ quên đi công tác bảo tồn. Đến khi cả hai, ở Hoàn Kiếm và Đồng Mô, cùng tuyệt chủng thì muộn mất. Song song với nỗ lực hướng đến ghép đôi sinh sản hai cá thể đó, việc cần nhất lúc này là cố gắng xác định Rùa Hoàn Kiếm còn tồn tại ngoài tự nhiên ở khu vực nào nữa không.
Chúng tôi tin, ngoài tự nhiên vẫn còn tồn tại nhiều cá thể rùa Hoàn Kiếm khác.
Tại sao ông lại dùng cụm từ Rùa Hoàn Kiếm (Hoankiem Turtle), cụm từ Rafetus swinhoei, để gọi bốn cá thể còn lại duy nhất trên thế giới kia? Ông nói không quan tâm đến vấn đề gene nhưng lại lấy quan điểm về gene của các nhà khoa học quốc tế để dùng tên gọi của họ?
Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á sử dụng tên Rùa Hoàn Kiếm cho dễ hiểu vì tên đó gắn với sự quan tâm của cộng đồng Việt Nam. Thứ hai, chúng tôi phải sử dụng cụm từ được cộng đồng quốc tế công nhận, số đông công nhận.
Trong danh mục của IUCN, một liên minh bảo tồn quốc tế lớn nhất thế giới, người ta dùng cụm từ Hoankiem Turtle, cụm từ Rafetus swinhoei, chứ không thấy dùng cụm từ Rafetus leloii của PGS Đức.
Còn nếu lý lẽ vì sao không dùng Rafetus leloii thì người ta cũng có quyền lý lẽ vì sao không dùng tên địa phương của hai con rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc mà người nước này gọi.
Ở Trung Quốc, người ta gọi đó là con giải Thượng Hải khổng lồ (giant Shanghai soft turtle), bởi nó gắn liền với địa danh này. Còn việc PGS Hà Đình Đức gọi tên là Rafetus leloii cũng là một cách gọi. Việc PGS Đức muốn đưa tên khoa học mới để gọi cụ Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm như một loại duy nhất là rất đáng quý. Mục tiêu của PGS Đức cũng giống chúng tôi, coi đó là một loài rùa quý hiếm cần được bảo tồn.
Kịch bản ghép đôi cho Rùa Hoàn Kiếm đại loại thế nào, thưa ông?
Việc ghép đôi sinh sản không cùng một loài không vấn đề gì, khi chúng ta có đủ điều kiện về môi trường sống cho chúng, có con đực con cái.
Nhưng với rùa mai mềm lớn như Rùa Hoàn Kiếm, lại có rủi ro cao hơn. Đấy là nguy cơ xung đột, đánh nhau để rồi cùng chết ở rùa mai mềm là hiện hữu.
Đấy là chưa kể thiết kế môi trường sống để hai cá thể có thể thụ thân, chưa kể việc vận chuyển. Đặc biệt, sức ép quá lớn về mặt tâm linh mỗi khi đụng đến Cụ Rùa sẽ khiến mọi hoạt động liên quan đến Cụ không dễ dàng gì được chấp nhận...
Việc ghép đôi hai cá thể không cùng loài cũng có thể sinh ra con lai, giống như cho ngựa ghép đôi sinh sản với lừa sẽ ra con la. Loài rùa nào đó chỉ còn duy nhất một con, người ta cũng bảo tồn bằng cách cho lai với một con gần loài, sẽ sinh ra được một số con lai. Chẳng hạn, một loài rùa quý chỉ còn mỗi một con đực ở quần đảo Alapagos được các nhà khoa học cho lai với một con cái gần loài để bảo tồn loài này.
Về mặt khoa học, thế hệ đầu tiên (F1), con sinh ra có thể bị vô sinh hoặc vẫn tiếp tục sinh sản được. Những con sinh sản được ở lứa F1 sẽ cho ra đời con thuộc lứa F2, F3, v.v.
Trong các lứa ấy, thế nào cũng có con mang gene thuần với gene một trong hai cá thể ban đầu, lứa F0, tức là mang gene thuần của Rùa Hoàn Kiếm.
Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tại hồ Đồng Mô, Sơn Tây, năm 2008
Nhà nước nên sớm đưa ra quyết định
Giả sử ghép đôi sinh sản cho Rùa Hoàn Kiếm và Đồng Mô được phép, vậy, nơi diễn ra sẽ ở đâu, Đồng Mô hay hồ Hoàn Kiếm?
Rùa Hoàn Kiếm cũng có nhiều đặc điểm giống với rùa mai mềm khác, cần có hồ rộng, bề mặt bờ hồ phải đủ thoai thoải và có cát, để rùa khi sinh sản có thể đẻ trứng trên đó. Ngoài ra, các con mới sinh cần có cây thủy sinh bên dưới.
Điều kiện hồ Hoàn Kiếm bây giờ không thuận lợi cho ghép đôi sinh sản. Vị trí thích hợp là ở Đồng Mô, nơi có thể cải tạo các điều kiện tự nhiên cho phù hợp nhất với sinh cảnh sinh sống của rùa. Rủi ro lớn nhất khi chọn Đồng Mô là phải di chuyển Cụ Rùa ra khỏi hồ Hoàn Kiếm. Di chuyển và ghép đôi cho Cụ Rùa không chỉ có mục đích bảo tồn mà liên quan tới tín ngưỡng trong tâm linh người Việt.
Nếu tìm được một cá thể rùa cùng loài với Rùa Hoàn Kiếm trên các ao hồ Việt Nam thì đấy là tuyệt vời.
Tiềm năng của việc bảo tồn rùa ở Việt Nam, theo ông có những lợi thế gì và điểm yếu gì?
Việt Nam mới chỉ nghĩ đến việc ghép đôi sinh sản mà chưa nghĩ đến nhiều yếu tố khác của việc bảo tồn. Rùa Hoàn Kiếm dường như chưa được bảo vệ theo luật pháp cao nhất của Việt Nam. Chỉ mỗi Nghị định 32/2006/NĐ-CP không đủ sức tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn.
Môi trường sống của rùa là sông, hồ lớn, những đập lớn, nhưng hầu như chưa có địa điểm nào tiềm năng có rùa Hoàn Kiếm nằm trong khu vực cần được bảo vệ.
Cần hai bước cơ bản để bảo tồn tốt nhất loài rùa quý là luật pháp và thiết lập khu bảo vệ sinh cảnh để loài này có thể sinh sản ngoài tự nhiên.
Chiến lược bảo tồn rùa Hoàn Kiếm chưa rõ ràng như có cho ghép đôi sinh sản không, nếu có thì ở đâu, điều kiện nơi nào phù hợp nhất, trong khi Trung Quốc lại làm rất rõ, rùa được ghép đôi trong vườn thú.
Nhà nước nên sớm đưa ra quyết định có nên cho ghép đôi Rùa Hoàn Kiếm hay không. Cũng nên ban hành luôn cả quy định tạo môi trường sống tốt cho loài rùa này.
Sau sự cố vỡ đập năm ngoái, đập hồ Đồng Mô mới được thiết kế khác trước, không hề tính đến việc bảo tồn rùa. Với thiết kế tự chảy như hiện nay, cơ hội cho rùa ra khỏi đập cao khoảng 13 m dễ dàng hơn. Tóm lại, khi thiết kế lại đập Đồng Mô, chính quyền quên tham vấn các nhà bảo tồn.
Rùa Đồng Mô được nhận định là rùa cái. Giả sử có việc ghép đôi với Rùa Hoàn Kiếm, nhỡ đâu Cụ cũng cùng giống cái thì sao?
Giới tính cá thể rùa Hoàn Kiếm hiện tại không ai biết là cá thể đực hay cái. Có thể PGS Hà Đình Đức biết chăng. Nhưng chưa biết PGS Đức xác định giới tính của Cụ Rùa như thế nào.
Theo tôi, để biết được giới tính của rùa, cần dựa vào ADN, hoặc quan sát đuôi rùa. Nếu có bức ảnh chụp toàn thân phía trên rùa thì cũng có thể xác định được cả tuổi. Tuy nhiên, hiện chưa có bức ảnh nào như thế.
“Ngoài việc xác định được một cá thể ở hồ Đồng Mô, chúng tôi cố gắng xác nhận thêm một vài cá thể nữa ở các vùng hồ khác. Có nhiều hơn hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, khả năng phục hồi giống rùa này ở hồ Đồng Mô sẽ cao hơn. Trường hợp xấu nhất, thậm chí phải nghĩ tới việc ghép đôi sinh sản rùa Đồng Mô với rùa Trung Quốc, nếu không thể đưa được Rùa Hoàn Kiếm ra khỏi Hồ Hoàn Kiếm, hoặc nếu không cho thả cá thể nào khác vào Hồ Hoàn Kiếm”, Tim McCormack, chuyên gia về rùa thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á.