Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để không gặp phải đồng nghiệp bất hợp tác

(15:30:56 PM 08/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong cuộc sống cũng như công việc, bên cạnh những người bạn tốt, những đồng nghiệp thân thiện, ân cần, chu đáo,… thì lẽ dĩ nhiên vẫn có những đồng nghiệp bất hợp tác và không thích bạn. Dưới đây là một vài cách giúp bạn đối phó với những tình huống trên.

Ảnh minh họa IE

 

1. Đồng nghiệp hay đố kỵ

 

Nhận diện: Những đồng nghiệp hay đố kỵ là những người hay để ý đến bạn, có thể bắt bẻ, xét nét từng việc nhỏ nhặt của bạn và luôn đem những sai sót  ấy để “buôn chuyện” nói xấu sau lưng bạn với một hoặc nhiều người trong công ty thậm chí là với những người quan trong nhất với bạn .

 

Ảnh hưởng: điều này khiến bạn cảm thấy xúc phạm, dễ nổi nóng, căng thảng suy nghĩ lung tung, không thể tập trung vào công việc.

 

Cách giải quyết: Trước hết, bạn cần xác định xem liệu có đúng là bạn đang bị đồng nghiệp ghen tị hay không. Lòng đố kỵ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như những khác biệt trong thăng tiến, tiền lương, sự công nhận, chuyên môn, và thậm chí là cả chuyện giàu-nghèo.. Việc bạn khó chịu trước những câu chuyện ngồi lê đôi mách liên quan đến mình là lẽ tự nhiên, nhưng việc phản ứng rốt cụộc chỉ khiến những người đố kỵ với bạn có thêm vũ khí để chống lại bạn. 


Vì vậy, tốt hơn hết, hãy giữ thái độ bình tĩnh và nhớ rằng, những người ghen tị “buôn chuyện” về bạn chẳng qua chỉ vì họ muốn có được những thành tích như bạn mà chưa làm được.
  

 

2.Đồng nghiệp không trung thực

 

Nhận diện: Đây là những đồng nghiệp thích khoe khoang hoặc thổi phồng về những thành tích mà họ đã đạt được. Họ không quan tâm đến năng lực thực tế và sự chăm chỉ của bản thân nhưng lại chú trọng đến việc thổi phồng về bản than. Họ thích nói nhiều về công việc hơn là làm việc.

 

Ảnh hưởng: Bạn là người thích làm việc chăm chỉ và coi thành tích là thứ yếu, bạn thường cảm thấy phiền với kiểu đồng nghiệp như thế này, có lẽ họ là người hoàn toàn trái ngược lại với bạn.

 

Cách giải quyết: Hãy kiểm soát hình ảnh của bản thân ở nơi công sở, bằng năng lực bản thân, hãy cho mọi người thấy được bạn là người có kỹ năng và chuyên môn. Những thành tích bạn đạt được là do công sức và kết quả của sự cố gắng mà bạn đã bỏ ra. Hãy chủ động tự vệ theo cách của mình, đừng để kiểu đồng nghiệp này “tranh công” của bạn. Đừng ngại lên tiếng nói về vai trò của bạn trong công việc, dự án mà mình tham gia. 

 

 3. Đồng nghiệp “dốt nhưng có thiện chí”

 

Nhận diện: Họ là những người chăm chỉ làm việc nhưng năng lực bản thân lại han chế, hoặc không phù hợp với công việc được giao. Trong những vấn đề mang tính chất quan trọng và quyết định, họ không thể đưa ra chính kiến của bản thân mà luôn cần tới sự trợ giúp của những người xung quanh.

 

Ảnh hưởng: Khi gặp đồng nghiệp kiểu như thế này, bạn có thể gặp một ít phiền phức, bởi sự thiện chí và chăm chỉ của họ khiến bạn không thể chỉ trích họ. Lúc này câu nói “cần cù bù thông minh” xem ra không phát huy hiệu quả là bao. Trong quá trình làm việc thời gian kéo dài, điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

 

Cách giải quyết: Nắm được điểm mạnh của kiểu đồng nghiệp này để giao cho họ những công việc phù hơp, tránh giao những công việc mang tính chất quan trọng. Nếu có thời gian, hãy giúp đỡ họ khi cần thiết, hướng dẫn họ cách làm việc thay vì làm thay cho họ. Hãy nhận xét trung thực, thẳng thắn về năng lực và hiệu quả công việc của họ. Nếu bạn là Sếp, không nên dùng những lời lẽ “mật ngọt” để an ủi, cũng không nên dùng những lời lẽ gay gắt để chỉ trích nhân viên của mình. Tốt nhất là nên chia sẻ hay động viên để làm họ yên tâm. Nói cho họ biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để họ có thể tập trung vào công việc và hoàn thành nó hiệu quả.

 

4. Đồng nghiệp lười

 

Nhận diện: Đây là kiểu đồng nghiệp không thích làm việc và luôn trì hoãn thời hạn công việc được giao. Họ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác và không đưa ra sáng kiến gì để góp phần xây dựng hình ảnh và công việc công ty.

 

Ảnh hưởng: Nếu bạn là một người làm việc thực sự, thì đồng nghiệp lười không khác gì một chướng ngại vật. Phải mất nhiều công sức để ép những người lười hoàn thành công việc đến nỗi những người xung quanh họ thường từ bỏ cố gắng và làm “luôn cho xong” phần việc của kẻ lười nhác. Vấn đề là, bạn không có thẩm quyền để sa thải đồng nghiệp lười, và Sếp có thể cũng không muốn làm việc đó.


Cách giải quyết: Chỉ tập trung vào công việc của bạn. Với tư cách là một đồng nghiệp, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể “dung túng” đồng nghiệp lười bằng cách làm hộ một phần việc của họ? Nếu bạn cảm thấy áp lực phải “giúp” anh/cô ấy, và bạn biết rằng đây là kiểu người không bao giờ biết đáp trả hay thay đổi, hãy trình bày vấn đề với sếp trước khi phải nhận thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ này. Nếu bạn là nhà quản lý, kiểu nhân viên này đòi hỏi bạn phải dùng tới cách thức quản lý vi mô. Hãy giao cho họ những nhiệm vụ nhỏ với hạn hoàn thành gấp rút và liên tục đốc thúc họ.
 

 

5. Đồng nghiệp ích kỷ

 

Nhận diện: Lúc nào cũng chăm chăm tới lợi ích của bản thân mà không nghĩ đến lợi ích của người khác, tìm mọi cách để được tăng lương và thăng chức mà không quan tâm đến cách thức để đạt được hay có thể ảnh hưởng đến người khác.

 

Ảnh hưởng: Khó để làm việc với loại đồng nghiệp này vì họ chỉ biết quan tâm đến lợi ích bản thân mà không suy xét mọi hướng.

 

Cách giải quyết: Nếu bạn là một người có tinh thần làm việc tập thể, thì bạn hoàn toàn đối lập với những đồng nghiệp ích kỷ. Họ có động cơ và cảm hứng hoàn toàn khác biệt với bạn. Vì vậy, hãy chỉ cho những đồng nghiệp này tham gia vào nhóm của bạn nếu công việc của nhóm đáp ứng được lợi ích của họ. Bạn cũng phải chấp nhận thực tế rằng, họ sẽ không bao giờ muốn làm điều gì vì lợi ích của nhóm. Nếu bạn là Sếp, hãy sử dụng tính cạnh tranh của những nhân viên này trong những trường hợp đặc điểm đó có thể trở thành sức mạnh. Chẳng hạn, những nhân viên ích kỷ có thể cạnh tranh “trường kỳ” với những người khác hoặc với chính bản thân họ để vượt mục tiêu về doanh thu. 

 

6. Vị sếp khó ưa:

 

Nhận diện: Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết mọi người đều không thích Sếp của mình. Ngay cả những người có quan hệ tốt với Sếp vẫn không thích một vài khía cạnh nào đó trong tính cách hoặc một vài hành vi ở công sở của Sếp. Rất may là bạn không bắt buộc phải yêu quý Sếp hay là bạn của Sếp, nhưng bạn phải làm việc hiệu quả với Sếp.

 

Ảnh hưởng: Dù không ưa Sếp, bạn vẫn phải làm việc liên tục cùng Sếp, và bạn phải làm việc cho Sếp.

 

Cách giải quyết: Xác định chính xác xem bạn không ưa Sếp mình ở điểm nào. Ví dụ: “Sếp đi vào quản lý những công việc nhỏ nhặt nhất? Sếp không định hướng được công việc? Sếp không giỏi ở lĩnh vực quan trọng nhất trong công việc của sếp? Sếp đối xử bất công với bạn? Hay bạn chỉ không thích một tính cách cá nhân khác người của sếp?” Một khi nhận ra được vấn đề cụ thể, bạn có thể tìm ra một hướng đi hợp lý.


Và sau đây là một vài lưu ý giúp bạn có thể giảm bớt căng thẳng và hàn gắn tình đồng nghiệp:


1. Tránh xử dụng từ “ghen tị”



Khi câu chuyện diễn biến xấu tới mức ảnh hưởng tới năng suất làm việc của bạn, đó là lúc bạn nên làm điều gì đó. Nhưng hãy thận trọng về những lời mà bạn nói.


Chẳng hạn, không phải là một ý tưởng tốt nếu bạn tiến đến một đồng nghiệp và cáo buộc anh/cô ấy ghen tị với mình. Tất nhiên, người đồng nghiệp đang sôi sục vì đố kỵ với bạn sẽ không bao giờ thú nhật điều đó. Một cuộc đối đầu như vậy rốt cục sẽ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng...



2. Biết cách tìm kiếm đồng minh



Việc duy trì những mối quan hệ khăng khít ở nơi làm việc luôn giữ vai trò quan trọng. Trước hết, bạn cần để cấp trên nắm rõ được công việc mà bạn làm hàng ngày. Một đồng nghiệp ghen tị và xấu tính có thể tìm cách bôi xấu bạn bằng cách nói với cấp trên không chuẩn xác về công việc mà bạn làm. Nếu bạn thường xuyên báo cáo với Sếp về tiến trình công việc, thì mối quan hệ giữa Sếp với bạn không thể bị ảnh hưởng bởi những hành vi bôi xấu như vậy.


Ngoài ra, bạn cũng cần gây dựng được mối quan hệ tốt với tất cả các đồng nghiệp. Khi đó, các đồng nghiệp sẽ có cách nhìn khách quan về bạn, nói tốt cho bạn, khiến cho những đồng nghiệp hay đố kỵ không còn cơ hội chống lại bạn.


3. Đặt mình vào vị trí của người đố kỵ



Đừng quên tìm hiểu vì sao những đồng nghiệp khác không thích mình. Chẳng hạn, có thể đó là do người đồng nghiệp kia không được công nhận những kết quả công việc mà họ đạt được. Trong trường hợp đó, nếu bạn nỗ lực khen ngợi họ, thì căng thẳng có thể được giải tỏa.


Thậm chí, bạn cũng có thể đưa ra lời khuyên giúp họ cải thiện hiệu quả làm việc và được công nhận thành tích. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng để tránh việc người đồng nghiệp đó cảm thấy như đang bị bạn “dạy dỗ”.



4. Nhìn lại mình



Bạn bị đồng nghiệp đố kỵ không chừng lại do chính lỗi của bạn. Hãy nhìn lại mình xem bạn có phô trương quá đà những thành tích của mình với đồng nghiệp hay có nói quá về việc Sếp yêu mến bạn ra sao. Đây thực sự là những việc làm không phù hợp trong môi trường công sở và chỉ khiến bạn bị ghen tị, thậm chí là bị xa lánh.

PHƯƠNG TÙNG