Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giếng cổ và giai thoại
Để tìm hiểu những công trình độc đáo ở làng Yên Sở, người dân nơi đây giới thiệu chúng tôi gặp cụ Trần Như Bốn (87 tuổi), một vị cao niên khá am hiểu về lịch sử của làng. Cụ Bốn cho biết: "Làng Yên Sở trước đây vẫn gọi là làng Cổ Sở. Các cụ già trong làng vẫn truyền tai nhau rằng vào thời Mã Viện, một viên tướng tài thời Hán Quang Vũ Đế (Trung Quốc) chiếm đóng vùng này đã cho quân lính đào giếng lấy nước ăn. Họ đào hơn 70 cái nhưng cái nào cũng giống cái nào. Giếng sâu ít nhất 5m, đường kính khoảng 1,6m. Đặc biệt, giếng được xếp hoàn toàn bằng đá, dưới đáy giếng có một phiến gỗ lim rất dày, nước giếng từ xưa đến nay luôn trong vắt và đầy ắp. Giếng được bố trí ở các vị trí khác nhau và nằm rải rác khắp làng".
Cũng theo cụ Bốn, hầu hết các giếng làng Yên Sở hiện rất ít người dùng, người dân chủ yếu dùng giếng khoan. Hơn bảy mươi giếng, nhưng một số giếng đã bị lấp đi, còn lại được quây kín bằng tường bao hoặc rào sắt. Đặc biệt mỗi giếng người dân xây một miếu nhỏ để thờ cúng thần linh. Họ tin rằng giếng nào cũng có thần linh, thổ địa nên vào những ngày rằm, mùng một họ mang lễ ra giếng làm lễ, xin lộc.
Cụ Nguyễn Bá Hân (83 tuổi), người dân nơi đây vẫn gọi là ông đồ bởi cụ rất giỏi chữ Hán và khá am hiểu về lịch sử các di tích của làng. Cụ Hân cho biết: "Đình không xà, trong làng 73 cái giếng" từ lâu đã được nhiều người dân quanh vùng biết đến Yên Sở. Một số cụ bảo, ngày giặc về chiếm đóng mà đào gần trăm cái giếng để dùng việc quân thì không thuyết phục bởi chúng có kết cấu giống nhau và được làm rất cầu kỳ, cẩn thận. Người dân tự đào giếng để lấy nước ăn cũng không đúng vì ngày đó dân cư thưa thớt, một làng chỉ có vài chục hộ nên không cần thiết phải đào nhiều giếng như vậy. Theo một số tài liệu cũng như con đường cái lớn đầu làng có tên đường Cao Biền, điều này cho thấy pháp sư Cao Biền, một pháp sư nổi tiếng thời nhà Đường (Trung Quốc) đã từng đặt chân tới vùng đất này. Nhiều người phỏng đoán Cao Biền được cử sang nước ta để trấn yểm long mạch".
Cụ Trần Như Bốn đang giới thiệu một giếng đá cổ ở xóm Giếng.
Thực hư lịch sử xuất hiện các giếng cổ này như thế nào, ngoài công dụng, mục đích lấy nước ăn, sinh hoạt còn mục đích nào khác không? Cụ Hân mạnh dạn bảo: "Khả năng Cao Biền sang trấn yểm long mạch rất cao. Mảnh đất này vốn địa linh, có nhiều mạch đất quý, nơi sản sinh ra những anh hùng. Như vậy sẽ là tai họa lớn cho quân xâm lược, bởi vậy họ đã tìm mọi cách để cắt đứt long mạch bằng việc cho đào nhiều giếng sâu. Vùng đất Yên Sở không nằm ngoài địa điểm mà Cao Biền trấn yểm, bởi ở đây có vị anh hùng, một trung thần, tướng tài thời Lý, đức thánh Phạm Tu hay còn gọi là Lý Phụng Man. Tương truyền, ngày xưa tướng Lý Phụng Man đánh giặc rất giỏi giúp vua giết bao tướng giặc và giữ yên bờ cõi. Trong một lần giao chiến với tướng giặc Trần Bá Tiên, ông bị trọng thương gần đứt đầu mà vẫn ung dung ngồi trên ngựa một tay đỡ đầu một tay cầm đao đột phá vòng vây giặc rồi phi được ngựa về đến đầu làng Cổ Sở mới mất.
Những câu chuyện "lạ"
Theo các cụ cao niên trong làng, gần trăm giếng, cái nào nước cũng trong veo, dưới đáy giếng có một phiến gỗ lim rất dày mà bao đời nay không bị mủn. Thành giếng được xếp đá quây tròn không dùng hồ vữa mà vẫn chắc chắn, vững vàng. Mỗi giếng phải xếp đến hàng chục khối đá. Khi cần thiết người ta có thể hai tay vịn vào vách đá, chân có thể đặt vào các khe hốc để xuống tận đáy giếng và leo lên một cách dễ dàng. Điều này khiến nhiều cụ cao niên trong làng nghi ngờ có điều gì đó bất thường bởi số lượng và sự giống nhau của chúng. Nếu giếng đào để lấy nước ăn thì không cần phải công phu và cầu kỳ như vậy, kích thước cũng không lớn như giếng ở nhiều làng khác. Số đá xếp xung quanh thành mỗi giếng cũng phải 10 khối đá, trong khi đó cả làng đến gần trăm giếng mà quanh vùng không có loại đá này. Đặc biệt, nếu giếng nước ăn đơn thuần thì việc lấp đi đào mới là chuyện bình thường, nhưng việc lấp giếng nơi đây lại xảy ra những chuyện bất thường.
Trong mấy năm gần đây, Yên Sở cũng giống bao làng quê khác không nằm ngoài cơn bão đô thị hóa. Nhiều xóm đã tự ý lấp giếng cổ vì nước giếng không dùng để lấy nước ăn, hơn nữa chiếm mất diện tích ngõ xóm, lại nguy hiểm cho trẻ em. Bởi vậy, nhiều xóm gõ lấp giếng, nhưng chẳng bao lâu lại bới lên. Cụ Nguyễn Bá Hân cho biết: "Xóm Chùa vừa rồi có lấp một giếng cổ, thời gian ngắn sau cả ngõ gặp phải những điều tai ương, xóm ngõ lục đục, hay xảy ra xô xát, làm ăn không thuận lợi. Có người đi xem được "thầy" bảo giếng cổ có thần linh, thổ địa và có thể bị trấn yểm nên ai mà phạm vào sẽ chuốc lấy hậu họa. Sau khi được "thầy" mách nước trả lại giếng cổ như ban đầu và phải làm lễ khấn thần linh tha thứ mới được yên ổn. Cả xóm lại thuê máy móc hút, múc đất lên. Quả nhiên, sau khi làm theo lời "thầy" dặn cả xóm ngõ yên ổn".
"Không có căn cứ khoa học"
"Người dân trong vùng thường nói "Đình không xà, trong làng 73 giếng. Đặc điểm, các giếng đá ở Yên Sở nước rất trong và hiếm nơi nào có. Dưới đáy giếng có một phiến gỗ lim rất lớn mà đến nay chưa nhà nghiên cứu nào chỉ ra được mục đích chính là gì hay chỉ đơn giản để thành giếng xếp bằng đá không bị xô. Hiện, các giếng làng được người dân quây kín cẩn thận và xây một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng vào những hôm rằm, mùng một. Thực tế, có những câu chuyện người dân đồn thổi lấp giếng gặp những điều chẳng lành sau đó lại phải thuê máy móc hút, xúc lên mới yên ổn. Có thể đây chỉ là sự trùng hợp, còn chuyện thần linh trừng phạt thì không có căn cứ khoa học nhưng cũng khó giải thích, ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Yên Sở nói.