Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đi tìm giải pháp phát triển hài hòa và công bằng cho hạ lưu sông Mê Kông

(16:09:05 PM 03/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Henry L.Stimson phối hợp tổ chức toạ đàm vấn đề xây đập trên Sông Mekong từ 14:00-17:00 Chủ Nhật, 3/11, tại Press Club 59A, Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Ảnh minh họa iE

 

Mê Kông là dòng sông quốc tế nối liền sáu quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực, cung cấp nguồn sống cho hàng chục triệu cư dân phụ thuộc vào sinh kế nông nghiệp và ngư nghiệp.


Trong những năm gần đây, các quốc gia trong lưu vực bắt đầu xúc tiến các kế hoạch khai thác tiềm năng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, phục vụ nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính của Ủy hội sông Mê Kông (SEA) thì “Việc thực hiện bất kỳ hay mọi dự án đề xuất trên dòng chính thuộc hạ lưu sông Mê Kông đều có thể gây ra các tác động sâu sắc và rộng khắp về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả bốn nước ven sông”.


Ở vị trí quốc gia cuối nguồn, các con đập thủy điện dòng chính chắc chắn sẽ có tác động ở phạm vi lớn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Những tác động này có thể ảnh hưởng lên an ninh lương thực, an ninh môi trường và sự ổn định kinh tế - xã hội – chính trị của Việt Nam trong tương lai.


Xayaburi là con đập đầu tiên được chính phủ Lào bắt đầu tiến hành xây dựng trên dòng chính của hạ lưu sông Mê Kông từ cuối năm 2012 và đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận ở quy mô khu vực và quốc tế về những tác động tiềm tàng đối với lưu vực về xã hội, kinh tế và môi trường.


Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về dự án đập này, Lào tiếp tục lên kế hoạch xây dựng các đập Don Sahong và Pak Beng trên dòng chính. Triển vọng phát triển hợp tác, công bằng, bền vững giữa các quốc gia trong lưu vực đang bị lu mờ.


Thực tế đáng lưu tâm là một số con đập sẽ được xây dựng trên dòng chính bất chấp các đánh giá của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cũng như quan ngại của Việt Nam và Campuchia về những tác động nghiêm trọng và rủi ro đã được cảnh báo trong Báo cáo SEA. Đối diện với thực tế đó, câu hỏi đặt ra là liệu có thể giảm thiểu những tác động môi trường và xã hội từ các con đập này thông qua việc ngăn chặn xây dựng các dự án đập có rủi ro cao? MRC có vai trò quan trọng nhưng chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ này. Và mục tiêu ấy chỉ đạt được khi bốn quốc gia thành viên MRC thực sự có cam kết chính trị mạnh mẽ, có sự hỗ trợ tài chính và chia sẻ trách nhiệm của các thể chế như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ.


Để đưa ra những giải pháp phát triển hài hòa, công bằng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông, có bốn yêu cầu đặt ra: 1) Xem xét Báo cáo SEA để xác định liệu có thể đưa ra lựa chọn xây dựng những dự án đập bền vững nhất; 2) mạng lưới điện tiểu vùng hoặc các đường truyền tải điện liên quốc gia cần phục vụ lựa chọn trên; 3) quan trọng nhất là phải có cam kết chính trị của cả bốn quốc gia thành viên MRC; 4) cần có sự đồng thuận giữa các nhà tài trợ và đối tác phát triển hỗ trợ thực hiện giải pháp của các quốc gia thành viên.


Chương trình tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Henry L.  timson tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi các ý tưởng và khuyến nghị cho giải pháp phát triển hài hòa, công bằng ở khu vực cũng như chia sẻ thông tin xung quanh vấn đề phát triển đập trên dòng chính hạ lưu Mê Kông.


Thời gian: 14:00 – 17:00, Chủ Nhật, 03/11/2013


Địa điểm: Press Club, 59A Lý Thái Tổ, Hà Nội

 

QUỐC DŨNG