Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản thi hành Luật

(20:27:18 PM 02/11/2013)
(Tin Môi Trường) - Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhiều đại biểu cho rằng cần hạn chế thấp nhất việc giao Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản thi hành Luật.

 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII



Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đánh giá những tác động của Luật đối với cuộc sống là một quá trình không đơn giản. Công tác hoạch định ban hành chính sách pháp luật đã khó, việc đưa luật vào cuộc sống còn khó hơn rất nhiều. Những kết quả, thành tựu trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách đã được đề cập nhiều, nhưng hiệu quả ra sao, Luật đi vào cuộc sống thế nào thì vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ.

Theo đại biểu, công tác đưa pháp luật vào cuộc sống vẫn là điểm yếu, pháp luật được thực thi chưa toàn diện, đầy đủ, chưa khách quan và còn chênh lệch, đặc biệt là pháp luật về quản lý kinh tế mà nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của mỗi vị trí công vụ, sự tự giác của người dân và từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Phân tích kỹ hơn về các nguyên nhân, đại biểu cho rằng có 2 điểm mấu chốt, một là chế độ trách nhiệm không nghiêm minh, làm đúng hay không đúng, còn thiếu hay đầy đủ, tích cực chủ động hay không triển khai, thưởng phạt không phân minh nên làm cũng được, không làm cũng được, không rõ ràng. Thứ hai, còn nhiều khe hở cho lợi ích nhóm và cơ chế xin-cho, người thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống lại lợi dụng chính nó để mưu lợi cho mình, cố tình làm vấn đề phức tạp. Vì vậy, pháp luật đi vào cuộc sống bằng cách không đúng với nội dung của luật. Cũng theo đại biểu, không phải là vì thiếu pháp luật mà do những yếu kém trong thực thi pháp luật dẫn đến nhiều bất cập phát sinh trong đời sống thực tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, mặc dù có không ít nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đồng quan điểm trên, các đại biểu Đỗ Kim Tuyến và Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) khẳng định luật đi vào cuộc sống chưa sâu sắc do nguyên nhân công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự đi vào đối tượng cần tuyên truyền, còn hành chính, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhấn mạnh đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc về thực thi, đưa pháp luật vào cuộc sống cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành về những vấn điều tiêu cực, không khách quan trong quá trình thực thi pháp luật, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của người dân. Các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Trịnh Thế Khiết kiến nghị phải đánh giá đầy đủ để thấy được những khiếm khuyết trong thực thi pháp luật.

Từ nhìn nhận về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá lớn, có những luật đã có hiệu lực thi hành cả năm trời nhưng vẫn thiếu đến 50% văn bản quy định chi tiết, các đại biểu cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ nhưng trước hết Quốc hội phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình, lập pháp chưa tới nơi tới chốn.

Nguyên nhân của việc nợ đọng văn bản thi hành luật là do Quốc hội - vì luật không quy định hết, đừng đổ lỗi cho Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, bản thân họ không phải là cơ quan lập pháp lại đi làm việc của cơ quan lập pháp – đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) khẳng định. Đại biểu cho rằng chúng ta ủy quyền lập pháp quá nhiều, một đạo luật có 50 điều thì có đến 36 - 40 điều giao Chính phủ hướng dẫn. Còn đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận định luật được ban hành tốt hay xấu, cụ thể hay không cụ thể, đi vào cuộc sống được không, lỗi lớn là do Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng các Uỷ ban của Quốc hội cũng có trách nhiệm xung quanh việc Luật có những điều quy định không khả thi. Chính từ việc giao xây dựng văn bản hướng dẫn qua nhiều cấp đã dẫn đến tình trạng nhiều văn bản đi rất xa với nguyên tắc của luật quy định. Nhiều đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, còn thiếu một chiến lược lập pháp tổng thể, thiếu quy hoạch kế hoạch, công tác giám sát việc ban hành văn bản yếu, mới chỉ giám sát được tiến độ ban hành văn bản mà chưa giám sát hoạt động hay vụ việc cụ thể. Để hạn chế tồn tại, nhiều đại biểu đề nghị Luật cần quy định cụ thể hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao Chính phủ quy định và nếu có giao cũng chỉ nên dừng lại ở tầm Nghị định. Chính phủ đã được giao quyền lập quy không nên giao tiếp cho các bộ để các bộ tập trung "sứ mệnh" điều hành, tránh tình trạng các bộ vừa hoạch định chính sách, vừa thực thi chính sách, tập trung cho lợi ích nhóm.

Đôi khi các bộ có động thái không bình thường, bộ là cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách, không can thiệp vào những vấn đề cụ thể nhưng hiện có xu hướng can thiệp vào những vấn đề cụ thể mà xem nhẹ việc tham mưu hoạch định chính sách – đại biểu Nguyễn Đình Quyền e ngại. Đại biểu kiến nghị phải thường xuyên kiểm tra ý thức thực hiện pháp luật, phát hiện sai phạm, răn đe, phòng ngừa, kiểm tra, rà soát xem có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành phải tăng cường công tác tham mưu, thực hiện chính sách.

Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị nghiên cứu đổi mới kỹ thuật lập pháp theo hướng các quy phạm pháp luật phải trọn vẹn, đổi mới tư duy về làm luật thể hiện qua diễn đạt ngôn ngữ, văn phong, nhất là tăng cường năng lực cho bộ máy của các cơ quan tư pháp, Quốc hội, Chính phủ. Bộ trưởng phải là người đề ra chủ trương, chính sách, chương trình hành động mỗi khóa thay vì lệ thuộc vào bộ máy tham mưu như hiện nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, phải làm khẩn trương, ráo riết, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, trưởng cơ quan soạn thảo, trách nhiệm thi hành công chức, công vụ sẽ xử lý được tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, không nên thành tích trong hoạch định chính sách vì một quy định chưa "chín" sẽ tạo kẽ hở trong điều hành. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần hết sức tránh thỏa hiệp, tránh chung chung và hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, bộ ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn.

(TTXVN)