Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ, rừng cộng đồng tồn tại từ lâu đời, nó gắn với lợi ích tập thể của người dân, gắn với tâm linh, tự do tín ngưỡng của cộng đồng. Quản lý rừng cộng đồng hiện là một trong những loại hình ngày càng có vị trí quan trọng và hiệu quả trong phát triển lâm nghiệp ở Việt Nam . Theo ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La, rừng cộng đồng trong cả nước nói chung và tỉnh Sơn La được phân thành 3 loại: Rừng và đất do cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống tự nhiên từ nhiều đời nay; rừng và đất được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng; rừng và đất rừng do các tổ chức, cơ quan nhà nước, các nông lâm trường giao khoán cho cộng đồng. Hiện nay, rừng cộng đồng được quản lý theo các hình thức chính là quản lý theo dòng tộc, theo dân tộc; quản lý rừng theo thôn, bản và quản lý rừng theo nhóm hộ, sở thích.
Các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện quản lý rừng cộng đồng. Đó là cộng đồng dân cư thôn, bản chưa hội đủ các điều kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 để có tư cách pháp nhân. Vì vậy, nếu giao rừng cho cộng đồng dân cư, khi xảy ra tranh chấp dân sự với chủ thể khác hoặc có vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng không thể giải quyết được. Cơ chế, chính sách hưởng lợi, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư cũng còn nhiều bất cập. Các chính sách liên quan đến quyền hưởng lợi rừng, nhất là hưởng lợi gỗ trong giao rừng tự nhiên chưa có quy định rõ ràng. Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật khá phức tạp khiến cộng đồng khó có thể tiếp cận.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý rừng cộng đồng. Ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đề nghị, phải tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, trong đó có cả quy hoạch của từng cộng đồng theo hướng phân chia thành các loại rừng khác nhau như rừng cung cấp gỗ, rừng bảo vệ nguồn nước… Các cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu và ban hành cụ thể về cơ chế, chính sách hưởng lợi cho các chủ rừng nhằm khuyến khích mọi thành phần tham gia nhận đất, nhận rừng để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các ý kiến khác tại hội thảo cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ rừng tới cộng đồng và người dân, thực hiện xã hội hóa thông qua việc xây dựng quy ước, tăng cường lực lượng kiểm lâm chuyên trách giúp cộng đồng giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lý các vi phạm.
Từ thực tế cho thấy, để quản lý bảo vệ có hiệu quả và bền vững thì cần có sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng sống liền rừng. Giao đất giao rừng cho cộng đồng sẽ giúp phát huy kinh nghiệm và truyền thống của cộng đồng để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Từ đó, người dân biết lồng ghép và phát huy kiến thức bản địa của cộng đồng với các quy định của quản lý lâm nghiệp trong việc bảo vệ rừng lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Tại Sơn La, từ năm 2001 đến năm 2006, trên địa bàn 11 huyện, thị xã đã triển khai hoàn thành công tác giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 917.000 ha.