Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về quy hoạch tổng thể thủy điện. Hầu hết ý kiến đều bày tỏ lo ngại đối với phong trào xây dựng thủy điện ở nhiều địa phương, dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho hiện tại và thế hệ mai sau.
Lấy gỗ là chính
“Mổ xẻ” mặt trái của thủy điện, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Minh (TP HCM) nói thẳng: “Làm thủy điện theo kiểu phong trào, không có quy hoạch. Những con số trong báo cáo của Bộ Công Thương quá nhiều điều khiến chúng ta giật mình”.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) cho rằng việc “nở rộ” phong trào làm thủy điện nhằm tận thu rừng, khai thác khoáng sản... nhưng báo cáo không nhắc đến và không làm rõ việc xử lý cá nhân, tổ chức sai phạm.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo lắng khi 65% công trình thủy điện chưa có phương án PCLB. “Thủy điện Sông Tranh 2 đến giờ này cũng chưa ai khẳng định đã an toàn. Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Công Thương… phải rà soát lại toàn bộ để người dân yên tâm” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
ĐB Dương Trung Quốc thì khẳng định thủy điện là “bài toán âm”, phần lớn làm theo kiểu “mì ăn liền”, chưa kể lấy gỗ là chính. “Thủy điện lớn nhỏ như cả ngàn quả bom. Nếu không chấn chỉnh thì chúng ta sẽ có tội với con cháu” - ông Quốc lo ngại.
Lãng phí khổng lồ
Bình luận về báo cáo của Chính phủ, ĐB Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Chính phủ siết chặt lại thủy điện là một thành tích chăng? Đây là sự lãng phí vô cùng lớn. Doanh nghiệp được cấp phép, đầu tư rồi thắt lại thì lãng phí đó như thế nào?”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch cũng băn khoăn việc nhà đầu tư bỏ tiền làm thủy điện nhưng nay loại ra thì trách nhiệm cá nhân, tập thể lập quy hoạch ra sao. “815 dự án còn lại là chốt rồi hay sẽ tiếp tục rà soát thì phải làm rõ để doanh nghiệp biết đường. Phải chăng chỗ bị loại ra là chưa có ai xí phần? Đây chính là lỗ hổng pháp lý” - ông Lịch nêu vấn đề.
Với cách nhìn cẩn trọng, ĐB Nguyễn Văn Minh lo ngại những thủy điện bị loại bỏ nhưng chủ đầu tư đã kịp phá rừng. Vì vậy, Chính phủ phải có báo cáo đầy đủ. “Làm thủy điện đa số là nhắm vào khai thác rừng, nay “thổi còi” thì họ cũng đã kịp lấy hết gỗ rồi”- ông Minh nói.
Ghi nhận đời sống đồng bào dân tộc miền núi sau di cư nhường đất cho thủy điện còn rất khó khăn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải rà soát lại các công trình thủy điện để xem đã lo cho dân nghiêm túc chưa. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH và các địa phương phải tiếp tục giám sát chặt chẽ việc này. “Từ nay đến hết năm, Chính phủ phải tiếp tục báo cáo QH về việc rà soát các công trình thủy điện, tình hình an toàn hồ đập, công tác di dân tái định cư...” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Cần chấm dứt cấp phép thủy điện nhỏ
Là một trong những người đi đầu trong việc phản đối 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, nói: “Tôi đề nghị đánh giá rõ và giao nhiệm vụ cho bộ, ngành liên quan đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện giai đoạn 2006-2012 đã “ăn” hàng chục ngàn hecta rừng nhưng trồng thay thế chưa đầy 1.000 ha”.
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng vấn đề thủy điện đã “nóng” từ khóa XII nhưng đến kỳ họp thứ 6 của khóa XIII mới có báo cáo của Chính phủ. “Để tràn lan thủy điện thì trách nhiệm ở đâu, địa phương hay Chính phủ?” - bà Dung đặt vấn đề. ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) đề nghị kỳ họp này QH chưa thông qua nghị quyết về thủy điện vì còn nhiều vấn đề Chính phủ phải làm rõ như di dân tái định cư, môi trường, xã hội…
Nhiều ĐB cũng đề xuất chấm dứt việc cấp phép thủy điện nhỏ vì đa số loại này do tư nhân làm nên bỏ qua yếu tố lợi ích xã hội.
Còn sức khỏe thì còn làm công chứng
Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng dự luật quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến năm 65 tuổi là không hợp lý vì đây là lĩnh vực xã hội hóa nên nếu ai còn sức khỏe thì vẫn có thể làm.
ĐB Lê Trọng Sang đề nghị Luật Công chứng (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi điều chỉnh như việc chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao tạo thuận lợi cho người dân và giảm áp lực cho cơ quan công quyền.