Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng phát biểu tại hội thảo- Ảnh: VEA
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, là đề tài khoa học cấp Nhà nước, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó xây dựng bộ tiêu chí và thiết kế mô hình làng sinh thái sử dụng năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo kịch bản phát thải cao, vào cuối thế kỷ 21 nước biển dâng cao nhất ở vùng từ Cà Mau đến Kiên Giang từ 85-105cm, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông ở đây lên đến 70km làm diện tích đất bị nhiễm mặn gia tăng, thúc đẩy quá trình hạn hán, hoang mạc hóa và ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn bộ đến quy hoạch đô thị và nông thôn, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học...đến khu vực này. Trên cơ sở đó, Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đã chủ trì đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, do Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn làm Chủ nhiệm.
Sau 24 tháng thực hiện đề tài (từ tháng 1/2012 đến 12/2013), Trung tâm đã triển khai thí điểm một số mô hình về tiết kiệm năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hộ dân tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau), kết quả đã xây dựng nên bộ tiêu chí nhằm thiết kế mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là mô hình bền vững, hình thành bởi cộng đồng dân cư sống ở các vùng ngoại ô, nông thôn, giảm những tiêu cực đến vấn đề môi trường.
Theo đó, làng sinh thái bao gồm 8 bộ tiêu chí, như cung cấp nước đầy đủ an toàn cho các hộ gia đình; có hệ thống bể xử lý nước thải sinh hoạt phân tán cho từng hộ; đảm bảo việc lưu trữ, phân loại và thu gom chất thải rắn tại nguồn; đảm bảo nhu cầu đi lại, sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm không gian mở được phủ đầy bằng cây xanh; có nhà sinh hoạt cộng đồng...
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, xây dựng mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế và hướng tới tương lai trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mô hình làng sinh thái với 8 bộ tiêu chí do Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường đã đạt được một số yêu cầu, cụ thể là về xâm hại ít nhất tới môi trường tự nhiên; đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng của làng và các hoạt động của con người; giữ cho làng sinh thái được khép kín và tự cân bằng...
Tuy vậy, quá trình hoàn thiện mô hình làng sinh thái vẫn cần phải lưu ý đến đặc điểm tự nhiên, thói quen sinh hoạt, sản xuất của cư dân từng vùng; cũng như tham khảo thiết kế mẫu nhà “sống chung với lũ” hiện có. Nhất là tham khảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để xây dựng làng sinh thái phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế hộ gia đình trong làng sinh thái theo hướng bền vững, hài hòa giữa kinh tế và môi trường, đồng thời khôi phục và nhân rộng mô hình VAC...