Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh IE
Buổi tọa đàm đã nêu bật những ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là địa bàn đầu nguồn, nên thường xảy ra lũ lụt hàng năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng. Do diễn biến bão lũ ngày càng phức tạp khó lường, hạn chế trong phòng chống rủi ro thiên tai của cộng đồng nên cuộc sống của người dân, nhất là già, trẻ em và đặc biệt là người khuyết tật còn khó khăn. Anh Bùi Văn Mở, ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) khuyết tật hai chân, phải di chuyển bằng xe lăn cho biết, trước đây khi gặp bão lũ anh rất lo lắng do di chuyển khó khăn, nhưng thời gian gần đây được tham gia các lớp tập huấn về các kỹ năng phòng ngừa, phòng chống và kinh nghiệm trong cuộc sống, nên đã tự bảo vệ cho bản thân.
Ông Huỳnh Hoàng Huy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang cho rằng, do kỹ năng phòng chống thiên tai của người khuyết tật còn hạn chế, vì vậy bên cạnh cộng đồng, người nhà phải am hiểu, quan tâm chăm lo giúp đỡ cho người khuyết tật khi có thiên tai xảy ra, hiểu được tầm quan trọng của việc giúp người khuyết tật hòa nhập trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phòng chống thiên tai, còn có tài trợ của các tổ chức quốc tế. Hiện tỉnh An Giang và các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng đang được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ. Cơ quan hỗ trợ phát triển Australia (AusAID), Tổ chức CARE, Hội Chữ thập đỏ Đức đã tài trợ triển khai 2 dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và “Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long” từ tháng 7/2012 - tháng 12/2014 tại 20 xã, thuộc 8 huyện của các tỉnh. Dự án thực hiện nhằm tuyên truyền, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, nâng cao năng lực và lợi ích cho những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật; góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Chính phủ về “Nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020”.
Tại buổi tọa đàm, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kêu gọi cộng đồng quan tâm, tìm hiểu về nhu cầu, khả năng của những người dễ bị tổn thương; đặc biệt là người khuyết tật, bởi người khuyết tật vẫn còn khả năng đóng góp được bằng trí tuệ, những kỹ năng, kinh nghiệm sống trong công tác phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai… qua đó đóng góp nhiều hơn nữa sáng kiến thích ứng với thảm họa và lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng dễ bị tổn thương.