Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Bà Triệu Thị Mần, 57 tuổi, người Dao ở thôn Pù Mò cho biết: Chúng tôi không biết kêu ai. Đến lâm trường không thể gặp được Giám đốc, còn nhân viên lâm trường chỉ trả lời “Phải gặp Giám đốc". Gọi điện thoại theo số máy mà người lâm trường cho thì được trả lời “nhầm máy rồi”. Là người dân nghèo, ruộng ít, đất rừng không có, lâm trường ký hợp đồng trồng, chăm sóc rừng chúng tôi rất mừng. Đến nay, lâm trường mới thanh toán công trồng, còn công chăm sóc chưa thấy đâu
Theo hợp đồng thỏa thuận giữa người dân và lâm trường thì lâm trường Ngân Sơn sẽ trả công trồng rừng 4, 1 triệu đồng/ha và hơn 1,5 triệu đồng/ha/năm công chăm sóc cho hai năm sau đó.
Hai anh em nhà ông Lô Xuân Méo, Lô Xuân Sláy đều gần 80 tuổi, thuộc thôn Pù Mò đã ký hợp đồng trồng cho lâm trường Ngân Sơn 4,7 ha rừng, nhưng mới được thanh toán 4 triệu đồng tiền công trồng, còn công chăm sóc năm 2012 chưa được thanh toán. Ông Lê Xuân Méo bức xúc: Tôi đã gần 80 tuổi vẫn cố gắng đi làm để có tiền sinh sống, nhưng lâm trường không trả tiền, cả tiền công trồng cũng chưa trả đủ. Còn bà Triệu Thị Mần cho biết, lúc bàn bạc trồng rừng có các cán bộ lâm trường đến tận nhà bảo trồng và chăm sóc đi, sau này còn được hưởng 17% khi khai thác. Nay công chăm sóc còn chưa được đồng nào, hợp đồng cũng không thấy đưa cho dân.
Hai vợ chồng ông Lô Văn Vương và Đồng Thị Vân nhận trồng và chăm sóc 20 ha rừng. Ông Vương cho biết: Vì diện tích lớn, nên hai vợ chồng tôi phải gọi bà con trong thôn (Pù Mò) đi làm thuê cho lâm trường, đến nay không được lâm trường thanh toán tiền, bà con cứ đến nhà tôi đòi, không biết lấy tiền đâu để trả cho họ. Các gia đình chúng tôi gọi đi làm đều là những hộ khó khăn, hy vọng có tiền để trang trải việc học hành cho con cái, sinh hoạt hàng ngày. Không phải chỉ có gia đình tôi, mà nhiều hộ dân ở các thôn khác đi làm cho lâm trường cũng không được thanh toán tiền công chăm sóc, nên rất bức xúc.
Chúng tôi có liên hệ để gặp Giám đốc lâm trường Ngân Sơn Nguyễn Xuân Hoàng nhưng cũng không liên hệ được. Những người khác trong lâm trường đều không được phép trả lời.
Đến Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn, đơn vị quản lý lâm trường Ngân Sơn, chúng tôi được ông Ngô Chí Thanh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Đây là dự án trồng rừng sản xuất của công ty; lâm trường Ngân Sơn được triển khai trồng thông với diện tích mỗi năm 100 ha. Vốn để thực hiện dự án này là vốn vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Nguyên, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa giải ngân được nên chưa có tiền trả cho dân. Ông Thanh cũng hứa là khi vay được tiền sẽ thanh toán cho dân.
Qua thực tế tại các cánh rừng trồng thông của lâm trường Ngân Sơn cho thấy, do không được trả tiền chăm sóc năm 2012 nên người dân đã bỏ không phát cây dại, nên thông bị chèn một số cây đã chết, số còn lại không phát triển được, do tán cây dại che lấp. Nếu không được quan tâm chăm sóc, nguy cơ mất trắng các cánh rừng đã trồng là rất cao.
Trồng rừng là chính sách lớn của Nhà nước, phải dựa vào sức dân, không có dân sẽ không có được rừng và cũng không thể bảo vệ được rừng nếu người dân không có ý thức bảo vệ. Việc lâm trường Ngân Sơn chậm chi trả công lao động của dân không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin của dân đối với chính sách phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường mà còn có nguy cơ mất trắng rừng trồng, lãng phí tiền của đầu tư.
Các cơ quan chức năng của huyện Ngân Sơn và tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là công ty lâm nghiệp Bắc Kạn cần sớm có giải pháp, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ tiền dân kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở một địa bàn vùng xa, vùng cao của tỉnh Bắc Kạn.