Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Yên Bái: Hiểm họa từ những bến đò ngang

(11:25:06 AM 25/10/2013)
(Tin Môi Trường) - Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là cho người đi đò, từ năm 2005, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai cuộc vận động người đi đò mặc áo phao. Năm 2012, Bộ có Thông tư 15 về việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh đối với các phương tiện vận tải công cộng đường thuỷ. Tuy nhiên qua một năm triển khai tại Yên Bái việc trang bị áo phao trên các phương tiện đường thuỷ nội địa chỉ mang tính chất đối phó với lực lượng chức năng.

Ảnh IE



Bến đò ngang Y Can, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những bến đò có lượng người qua sông nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 400 lượt người/ngày. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên cứ 15 phút lại có một chuyến đò sang sông nhưng 100% số hành không mặc áo phao. Phần lớn những khách đi đò cho rằng họ chỉ đi đoạn sông ngắn và đang đợt nước cạn nên việc mặc áo phao là không cần thiết. Ông Trịnh Trọng Ơn, làm nghề lái xe ôm tại bến đò Y Can gần 20 năm chia sẻ: Không biết chủ đò có nhắc nhở không nhưng ý thức của người đi đò rất kém và coi thường tính mạng của mình. Chỉ khi nào nước lớn hay có đoàn kiểm tra thì mới thấy khách mặc áo phao.

Theo thống kê, tỉnh Yên Báo có 6 bến đò ngang chuyên chở khách qua sông, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Trấn Yên và Văn Yên. Hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh phân bố khá rộng, ngoài hồ Thác Bà rộng lớn còn có hệ thống đường sông với tổng chiều dài gần 200 km, trong đó sông Hồng khoảng 115km, sông Chảy khoảng 83km. Trên các tuyến trọng điểm này có hàng trăm phương tiện hoạt động vận tải chở khách và hàng hóa, do vậy việc quản lý, kiểm soát an toàn giao thông đường thủy gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Mai Văn Bộ - Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Yên Bái cho biết: Bắt đầu từ ngày 15/10, Nghị định số 93 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa có hiệu lực. Trong đó có chế tài xử phạt đối với người điều khiển và người đi đò không mặc áo phao. Nghị định quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Do vậy, thời gian tới bên cạnh việc thanh tra, Sở Giao thông vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyển, nâng cao ý thức tự giác của người dân…

 

Tuấn Anh