Con cá rắn thứ hai dạt vào bờ ở California (Mỹ)
Các nhà khoa học thuộc viện Hải Dương Scripps của Mỹ đã tiến hành mổ xác con cá rắn đầu tiên vào hôm 21-10 và phát hiện đây là một con cá cái, trước khi chết rất khỏe mạnh, sắp làm mẹ.
Tiến sĩ H.J Walker thuộc viện Hải dương Scripps cho biết buồng trứng con cá này dài gần 2 m, chứa hàng trăm nghìn trứng trưởng thành. Cái chết của con cá vẫn là bí ẩn, các nhà khoa học chỉ biết lúc sống con cá mất đuôi và bị sóng đánh dạt vào bờ.
Cá rắn thuộc loài cá xương lớn nhất thế giới với chiều dài có thể tới 15 m, nặng khoảng 270 kg khi trưởng thành. Chúng sống sâu dưới đại dương (độ sâu từ 200 m đến 1.000 m), rất hiếm khi được nhìn thấy gần bờ biển, chúng chỉ xuất hiện khi bị bệnh hoặc đã chết.
Tuy nhiên, con cá này trước khi chết vẫn còn rất khỏe mạnh. Điều này khiến các mạng xã hội ở Mỹ rộ lên tin đồn đây là dấu hiệu một trận động đất lớn. Bởi theo thần thoại Nhật Bản, loài "quái vật biển sâu" này vào bờ để cảnh báo cho ngư dân một trận động đất sắp đến. Theo ghi nhận, vài tháng trước khi thảm họa động đất ở Fukushima xảy ra, đã có hàng chục cá rắn bị dạt bờ hoặc bị đánh bắt bởi ngư dân gần khu vực tâm chấn của động đất.
Một số nhà khoa học suy đoán rằng thần thoại có thể bắt nguồn từ thực tế, loài cá ở vùng biển sâu này có thể cảm nhận được các thay đổi địa chấn dưới đáy đại dương.
Tuy nhiên, đa số các nhà sinh vật học cho rằng vẫn chưa đủ bằng chứng kết luận hiện tượng cá rắn dạt bờ báo hiệu các cơn động đất. Rick Feeney - một nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ - cho rằng đây có thể chỉ là một sự "trùng hợp ngẫu nhiên".