Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cuộc chiến chống rác thải nông nghiệp nguy hại ở An Giang còn rất khó khăn-Ảnh minh họa IE
An Giang là tỉnh thuần nông với trên 80% người dân sinh sống bằng nông nghiệp, là vựa lúa của cả nước, canh tác lúa 3 vụ/năm, với tổng diện tích trên 660.000 ha/năm, đạt sản lượng gần 4 triệu tấn lúa/năm. Do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường nên ngày càng phát sinh nhiều sâu bệnh, dịch hại trên lúa nên nông dân An Giang có thói quen canh tác theo cảm tính, sử dụng quá liều, sai mục đích. Bình quân mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng trên 7.600 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thải ra mội trường trên 1.120 tấn vỏ chai, bao bì đã qua sử dụng; trong đó còn trên 20,8 tấn thuốc tồn dư bám lại trên vỏ chai, bao, bì và chưa bỏ được thói quen khi sử dụng xong thải bỏ bừa bãi ngay trên bờ ruộng, xuống kênh rạch, hay gom đốt theo rơm rạ, chôn lấp không an toàn hoặc tái sử dụng làm phao giăng lưới bắt cá, tôm, sử dụng thuốc sai mục đích, không theo qui trình 4 đúng (đúng liều, đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng cách) …... Đáng lo ngại là cho đến nay còn có tình trạng thuê người phun xịt thuốc BVTV trên đồng ruộng không có kiến thức bảo hộ lao động độc hại, không ý thức thải bỏ đúng nơi qui định rác thải nông nghiệp khi đã sử dụng xong…. làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thổ nhưỡng, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày và môi trường nuôi, trồng của người dân.
Ông Bùi Văn Khai, Phó Chi cục trưởng Chi Cục BVTV An Giang cho biết, trong thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp, phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng nhiều qui trình canh tác theo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", tiết kiệm nước, phương pháp "4 đúng", ruộng lúa bờ hoa dẫn dụ thiên địch… và mở nhiều lớp tập huấn về tác hại của thuốc BVTV, an toàn khi sử dụng thuốc BVTV…., nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và phòng tránh có hiệu quả. Đồng thời huy động Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đồng trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc này chỉ mới dừng ở tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, poster, mở lớp tập huấn...
Theo ông Đặng Mạnh Khương, Thư ký “Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường” của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, từ thực trạng rác thải vỏ chai, bao bì thuốc BVTV thải bỏ bừa bãi, năm 2008 xuất phát từ hoạt động mùa hè xanh tình nguyện, đoàn viên thanh niên của Công ty đã triển khai cùng nông dân tuyên truyền phát động thu gom. Đến năm 2010 Công ty chính thức phối hợp với Liên đoàn Mô tô - Xe đạp Việt Nam gắn với Giải đua xe đạp quốc gia cho ra mắt Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường từ năm 2010 - 2016”, Công ty phối hợp với Trung tâm BVTV phía Nam thực hiện tại 13 tỉnh thành phía Nam nhằm để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho nông dân và cải thiện môi trường sống ở nông thôn. Đến năm 2013 triển khai mở rộng thực hiện tại 22 tỉnh thành. Riêng tại tỉnh An Giang đã chọn xã điểm nông thôn mới Phú Thạnh (huyện Phú Tân) triển khai mô hình, đầu tư 17 triệu đồng xây hố rác, mở lớp tuyên truyền cho nông dân và giảng viên về bảo vệ môi trường, thải bỏ rác thải nông nghiệp độc hại đúng nơi qui định. Bbên cạnh đó, Công ty còn thành lập câu lạc bộ gồm 20 thành viên là những người làm thuê phun thuốc BVTV… để qua đó trở thành những cộng tác viên tuyên truyền nhân rộng ra cộng đồng. Hàng năm công ty còn tổ chức nhiều đợt thu gom rác thải BVTV vào các bao chuyên dụng tại nhiều huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành và đưa về nhà máy Xi măng Holcim (Hà Tiên) thiêu hủy theo công nghệ của Châu Âu, đúng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường…. nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân nông thôn. Ông Mạnh cho biết thêm, trong vụ đông xuân 2013 - 2014 sắp tới, Công ty tiếp tục triển khai cho An Giang 1 mô hình tại xã nông thôn mới, qua đó sẽ tăng cường tuyên truyền cho trên 11.000 nông dân ý thức và trách nhiệm về tác hại của rác thải nông nghiệp nguy hại đối với sức khỏe của cộng đồng và môi trường.
Bài toán khó hiện nay là người nông dân An Giang tuy có nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp nguy hại vỏ chai, bao, bì thuốc BVTV nhưng chưa từ bỏ được thói quen tái sử dụng theo qui định cấm hay thải bỏ bừa bãi, chỉ thu gom theo phong trào từng đợt, với kết quả thu được còn rất khiêm tốn khoảng 5 tấn/năm và kinh phí cho hoạt động còn hạn hẹp. Bên cạnh đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản suất kinh doanh thuốc BVTV tham gia nhiệt tình. Vì vậy cuộc chiến chống rác thải nông nghiệp nguy hại từ vỏ chai, bao, bì thuốc BVTV thải bỏ bừa bãi, sử dụng sai mục đích gây ô nhiễm môi trường ở An Giang sẽ còn rất dài và rất khó khăn.