Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

ATR72 gây lo lắng

(08:45:22 AM 23/10/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong khi Cục Hàng không Việt Nam nhận định sự cố rơi lốp trước của máy bay ATR72 là rất nghiêm trọng thì Vietnam Airlines (VNA) cho rằng phi công của hãng không khó khăn để vượt qua sự cố trên nhờ được huấn luyện thường xuyên

Ngày 22-10, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay - Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cho biết ngay khi được báo cáo về sự cố kỹ thuật xảy ra ngày 21-10 với máy bay ATR72 mang số hiệu đăng ký VN-B219 của VNA, Cục HKVN đánh giá đây là sự cố nghiêm trọng và đã lập nhóm điều tra nguyên nhân. Đơn vị này đang thu thập mảnh vỡ, tài liệu chuyến bay và niêm phong hộp đen. Sáng nay (23-10), Cục HKVN sẽ phỏng vấn các thành viên tổ bay để lấy thông tin phục vụ điều tra.

 

Chưa tìm thấy lốp bị văng

 

Cục trưởng Cục HKVN, ông Lại Xuân Thanh, cho biết trong ngày 21-10, cơ quan chức năng đã tìm kiếm 3 lượt ở cả 2 sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Đà Nẵng nhưng vẫn không tìm được chiếc lốp bên phải của máy bay bị văng ra. Nguyên nhân do hạ tầng đã được loại trừ vì qua kiểm tra đường lăn, cất - hạ cánh tại 2 sân bay đã không phát hiện có dấu hiệu bất thường.
 
Cận cảnh 1 bánh đã bị rơi khỏi trục chiếc ATR72 sau khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng chiều 21-10 Ảnh: TPO
 

Cục HKVN cũng đã có công điện yêu cầu Cảng vụ sân bay Cát Bi và Đà Nẵng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm ở khu vực lân cận ngoài sân bay. Cảng vụ Hàng không miền Trung đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng khu vực cách sân bay 10 km và tổ chức tìm kiếm. Tại sân bay Cát Bi, một cuộc tìm kiếm tương tự cũng được triển khai nhưng đến tối 22-10 vẫn chưa có kết quả.

 

Nhà sản xuất cũng bất ngờ

 

Về phía VNA, lãnh đạo đơn vị này cho biết trong bản tường trình của tổ bay, cơ trưởng và các thành viên khác của phi hành đoàn không phát hiện sự bất thường trong suốt hành trình bay. Chỉ khi trả khách, đưa máy bay ra sân đỗ, cơ trưởng mới có cảm giác máy bay ì hơn nhưng nghi ngờ do tác động của gió mạnh hoặc áp suất lốp thấp nên đã tăng ga. Sự cố được phát hiện khi bộ phận kỹ thuật kiểm tra máy bay theo quy định thông thường.

 

Cơ trưởng lái chuyến bay trên là Vũ Tiến Khánh (SN 1979), từng lái ATR 6 năm. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc tổ bay không phát hiện sự cố, vẫn cho hạ cánh bình thường trong khi lẽ ra phải xin hạ cánh khẩn (với hàng loạt quy trình khắt khe như hỗ trợ cứu hỏa, y tế…) thì có nguy hiểm không, ông Hồ Minh Tấn cho biết nếu chủ động phát hiện sự cố, cơ trưởng có thể cho hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, 6 tháng một lần, phi công đều phải thực hiện các bài huấn luyện, trong đó có các tình huống như chết 1 động cơ, mất 1 càng, mất hệ thống phanh…. nên không khó khăn để vượt qua sự cố như vừa rồi.
 
Sau các sự cố và tai nạn vừa xảy ra, những người di chuyển bằng máy bay ATR72 không thể không lo lắng. Trong ảnh: Hành khách lên máy bay ATR72 tại sân bay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Ảnh: TẤN THẠNH
 

Còn một lãnh đạo VNA cho biết máy bay ATR72 không có phần mềm cảnh báo áp suất lốp như dòng máy bay Airbus hay Boeing, vì thế người lái không biết càng gãy, lốp rơi từ lúc nào. Ngay cả nhà chế tạo máy bay khi nhận được thông báo sơ bộ về sự cố của chuyến bay VN-B219 cũng tỏ ra bất ngờ. Vị lãnh đạo của VNA nói trên cho biết thêm máy bay ATR72 có 1 càng trước, 2 càng sau, mỗi càng có 2 lốp, càng sau chịu trọng lực chính. Khi mất lốp càng trước, máy bay vẫn có thể hạ cánh được nhưng có thể sẽ chúi đầu mạnh hơn lúc tiếp đất.

 

ATR72 ít lỗi kỹ thuật lớn

 

Sự cố gãy chốt càng, rơi lốp ở máy bay ATR72-500 của VNA xảy ra trong thời điểm nhà chế tạo máy bay ATR của Pháp đang phối hợp điều tra nguyên nhân tai nạn rơi máy bay ATR72 ở Lào trên sông Mê Kông đã khiến dư luận lo ngại về mức độ an toàn của loại máy bay ATR72.
 
 
Tuy nhiên, theo ông Hồ Minh Tấn, máy bay của VNA là loại ATR72-500, còn chiếc máy bay rơi Lào là ATR72-600 thuộc đời mới hơn. Cả 2 vụ đều đang trong quá trình điều tra nhưng đánh giá sơ bộ thì tai nạn rơi máy bay ở Lào có yếu tố tác động của thời tiết, còn sự cố của chuyến bay VN-B219 có thể do lỗi cơ học của 1 bộ phận máy bay.
 
 
Theo ông Tấn, máy bay ATR72 không thường xảy ra lỗi kỹ thuật lớn, chỉ mắc một số lỗi như gỉ sét ở buồng hàng rồi ăn vào các vị trí khác, do đây là loại máy bay chỉ hoạt động ở đường bay ngắn, bay tầm thấp cộng với việc khí hậu Việt Nam là khí hậu biển, có nhiều hơi ẩm. VNA đã đưa đặc tính này vào chương trình bảo dưỡng nhằm ngăn ngừa, phòng chống gỉ sét đối với máy bay ATR72.

 

Cục HKVN đã cho phép VNA tiếp tục khai thác những chiếc máy bay loại ATR72 sau khi đã kiểm tra toàn bộ hệ thống càng. Riêng chiếc máy bay hỏng càng, nếu VNA có phương án thay càng mới, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và cũng sẽ được đưa vào hoạt động.
 

Chuyển càng máy bay bị sự cố qua Pháp

 

Cục HKVN đã có văn bản thông báo sự cố cho nhà sản xuất máy bay ATR và Cục Hàng không Pháp để các cơ quan này kịp thời hạn chế và cảnh báo hỏng hóc tương tự đối với đội bay ATR72 toàn cầu. VNA cũng đang tháo càng máy bay hỏng để chuyển Cục Điều tra tai nạn Pháp phân tích, tìm nguyên nhân.
 
 
Các thông tin thu thập được đến nay cho thấy có thể nguyên nhân dẫn đến sự cố là do lỗi chế tạo, vật liệu hoặc tác động quá lớn của quá trình khai thác dẫn đến thiết bị hỏng nhanh hơn tuổi thiết kế.
(Theo NLĐ)