Xe buýt nhồi nhét
Với những bạn sinh viên có kinh nghiệm, cảnh tường xe buýt toàn người là người là chuyện “bình thường ở huyện” thì với các bạn mới chuyển từ học sinh lên sinh viên, cảnh tượng này là một nỗi ám ảnh. Nhất là đối với các tuyến xe đi xuống làng đại học như tuyến số 33 hay tuyến số 8, không xe nào không có cảnh tượng nhồi nhét. Người đứng cạnh nhau san sát, trái phải trước sau đều là người. Thậm chí sinh viên không cầm tay vịn cũng không thể té khi bác tài thắng gấp, đơn giản vì… không còn chỗ để té.
“Ác mộng! Mình đã “buýt” được hai năm rồi nhưng vẫn thấy kinh sợ. Lên xe đi học mà cứ đứng đơ ra như khúc gỗ, muốn xoay trái xoay phải cũng khó làm được. Vì xe đông nên rất nóng, mình đến trường là áo đã đầm đìa mồ hôi” - Minh Tiến, sinh viên trường Nông Lâm cho biết.
Nhiều bạn sinh viên dùng cụm từ “đu xe buýt” thay cho “đi xe buýt” vì hiếm khi nào có được chỗ ngồi. Chỉ những bạn đón xe ngay tại bến hay những trạm đầu mới có ghế ngồi. Nhiều bạn cố gắng đón xe từ lúc 4 giờ 30 hay 5 giờ sáng vẫn phải “đu xe”. “Sau gần hai tiếng đứng trên xe buýt, vào lớp là mình mệt lả người, chẳng thể tập trung vào bài giảng được nữa” - Khánh Hòa cho biết.
Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu cho các bác tài lái xe buýt. Các bác chỉ lo cô học sinh trễ học, chú công nhân trễ làm mà thôi.
Xe buýt hư dọc đường
Đây cũng không phải là chuyện hiếm. Phần lớn các xe buýt phục vụ người dân đã khá cũ, hư hỏng máy móc là điều khó tránh khỏi. Những lúc như thế này, các bác tài sẽ “bán cái” cho xe cùng tuyến nào đến nhanh nhất.
Thế nhưng, xe buýt toàn hư trên những đoạn quốc lộ nhiều phương tiện tham gia lưu thông. Vì là đường quốc lộ 1A nên có rất nhiều xe tải lớn, xe container di chuyển với vận tốc cao. Sinh viên đi xe buýt phải rồng rắn chạy xuống xe, băng qua con lươn chắn giữa hai chiếc xe buýt mới có thể lên được chiếc xe bên kia để kịp giờ học. Vì chiếc xe mới đến không dừng lại hoàn toàn nên sinh viên phải cắm đầu đuổi theo mặc dù biết có thể xảy ra tai nạn.
Tất nhiên, lên xe buýt mới phải mua vé mới. Tiền vé xe buýt cũ cũng không được hoàn trả.
Xe buýt và trộm cắp, móc – rạch túi
Càng đông người thì càng dễ cho các phần tử xấu ra tay. Chỉ cần thiếu cảnh giác một chút, nhiều bạn đã phải để “vật đi thay người”.Hồng Ngọc, sinh viên trường Tôn Đức Thắng cho biết: “Lượng người lên xuống xe buýt trong các giờ cao điểm rất đông. Một lần mình chen lên xe buýt, khi kiểm tra lại mới thấy điện thoại của mình đã mất. Chiếc điện thoại không có giá trị bao nhiêu nhưng toàn bộ số liên lạc của bạn bè không thể một sớm một chiều có lại được”.
Trộm cắp, móc túi thường xảy ra nên các sinh viên đi xe buýt đều cảnh giác cao độ. Điện thoại, máy nghe nhạc hay ví tiền được các bạn cất kỹ vào túi xách. Biết được điều đó, tội phạm nâng cao tay nghề hơn một bậc là rạch túi. Vì balo thường được các bạn đeo sau lưng nên hành động rạch túi diễn ra một cách nhanh gọn lẹ khiến đương sự không thể trở tay. Laptop, điện thoại di động hay ví tiền là những vật dụng mà bọn móc túi, rạch balo thường nhắm tới.
Do đó, cảnh tượng balo đeo ngược trên xe buýt rất nhiều. Các bạn sinh viên đã tự trang bị cách đề phòng trộm cắp trên xe buýt. Bạn thì đeo balo ngược để tiện theo dõi, bạn thì lên xe buýt lập tức để balo xuống dưới chân. Có bạn cẩn thận hơn còn mua cả ổ khoa mini để khóa cặp lại. “Tư trang của mình phải tự mình giữ lấy. Mất rồi có kiện cáo cũng không được”, Hồng Ngọc kể lại.
Tạm kết
Tuy đi xe buýt có rất nhiều vấn đề nhưng sinh viên không thể không đi vì chi phí đi lại rẻ, lại có chính sách hỗ trợ dành cho học sinh, sinh viên với giá 2000 đồng. Vì vậy, sinh viên phải tự đề cao cảnh giác trước những thành phần xấu lợi dụng cảnh chen lấn, xô đẩy trên xe, đặc biệt là đề phòng những rủi ro không đáng có.