Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rừng gỗ Pơmu khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn đang bị "xẻ thịt"
Ruột rừng tuồn qua bản Hố Than
Anh Giàng A D..., bản Hố Than, nhà ở ngay đầu lối mòn này cho biết, khoảng 3 năm nay, ngày nào cũng có nhiều người đi qua nơi này lên rừng Văn Bàn lấy gỗ pơmu về bán. Mưa cũng đi, nắng cũng đi, cứ 3 giờ sáng là họ lên rừng, đến tận 10 giờ đêm mới hết người về. Ngày nhiều nhất có đến cả trăm tấm gỗ pơmu được lâm tặc vận chuyển qua lối này, còn ngày ít con số này cũng khoảng 30 – 40 tấm.
Họ không phải là người Mông bản Hố Than mà là người Thái ở các bản Én Nọi, Én Luông… của xã Mường Than. Đàn ông thì xẻ gỗ trên rừng, đàn bà thì đón gỗ vác, lôi kéo về. Cứ khoảng 12 giờ trưa thì gỗ pơmu được tập kết, tuồn ra khỏi khu vực cuối bản Hố Than. Từ đây gỗ pơmu được các chủ xưởng mộc đón lõng mua, vận chuyển bằng xe máy hoặc được các lâm tặc mang về nhà cất giấu chờ chủ xưởng mộc đến tận nhà mua. Mỗi tấm gỗ pơmu có chiều dài khoảng 2 mét, dày từ 10 phân đến 40 phân có giá từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Than Lường Văn Pầng cũng bức xúc cho biết: Sự việc này diễn ra cách đây đã nhiều năm nay. Cấp ủy, chính quyền, cùng các lực lượng chức năng của xã Mường Than đã tiến hành tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân trong xã ký cam kết bảo vệ rừng thường xuyên, đồng thời đã nhiều lần kiến nghị với các đoàn công tác cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Thậm chí sự việc này nay còn có chiều hướng phức tạp hơn khi mà cách đây khoảng một tháng, anh Lường Văn Bương (sinh năm 1984, ở bản Én Nọi) đã thiệt mạng khi lên rừng Văn Bàn đốn gỗ do cây đổ bất ngờ, không kịp dặn dò một lời với người vợ trẻ và hai con thơ dại...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Mường Than, muốn ngăn chặn tình trạng này triệt để thì đầu tiên các cơ quan chức năng từ trên đến dưới phải cùng vào cuộc bởi vì “không có người mua thì dân cũng chẳng đi làm”, “không có người mua làm gì có người bán mà dân thì không bao giờ đi mua cái này”…
Thiếu vắng lực lượng kiểm lâm
Chủ một trong 7 xưởng gỗ chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ pơmu trong nhiều năm nay, ở thôn Cẩm Trung 2, xã Mường Than khoe với chúng tôi rằng thường mua gỗ pơmu của người dân quanh vùng, “làm bao nhiêu mua ngần ấy” và “có nhiều tiền mua cả ô tô cũng được”. Còn nếu mua sản phẩm gỗ pơmu của chủ xưởng gỗ này, anh ta có thể lo vận chuyển hàng đến tận nơi. Mua với số lượng nhiều, còn được anh ta cử người đến tận nhà lắp đặt miễn phí. "Nếu cần khoảng 100 cái giường gỗ pơmu, chỉ cần huy động trong vòng gần một tháng là đủ"- Chủ một trong 7 xưởng gỗ khẳng định.
Giải thích cho chuyện tại sao lại có thể đảm bảo vận chuyển sản phẩm đi các nơi và thu mua gỗ pơ mu an toàn, trót lọt, chủ xưởng mộc này cho biết mỗi năm “làm luật” với người của cơ quan chức năng Than Uyên, hai lần từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, có năm anh “mất” nhiều nhất đến cả trăm triệu. Đấy là chưa kể, đột xuất “nó đánh bạc thua, nó đến hỏi vay tiền”, “nó rủ đi uống cà phê…"
Cũng theo chủ xưởng này thì hiện nay, xưởng của anh đang khó làm ăn nên mỗi tháng anh chỉ bán được khoảng chục sản phẩm.
Còn chủ một xưởng gỗ khác cũng ở thôn Cẩm Trung 2 cho biết, nhà anh là xưởng gỗ nhỏ nhất ở thôn, chuyên làm theo đặt hàng của khách quen chứ không làm hàng chợ. Mỗi tháng cũng làm 5 đến 7 chiếc giường, tủ pơmu. Sản phẩm làm ra cứ gửi xe khách, cước 500.000 đồng nếu về thị xã Lai Châu và 800.000 đồng về Hà Nội.
Ông Bùi Thụy Anh, Hạt phó Hạt Liểm lâm huyện Than Uyên cho rằng “không có chuyện A, B, C” ở đây. Anh này chỉ thừa nhận do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, lực lượng kiểm lâm gặp khó trong việc kiểm soát người dân lên rừng làm nương, làm thảo quả rồi tận thu gỗ pơmu ở địa bàn giáp ranh. Nhưng ông này lại cho biết, riêng trong 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng Kiểm lâm Than Uyên đã xử lý 26 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có đến 25 vụ xử lý vi phạm vận chuyển gỗ pơmu trái phép ở tại địa bàn xã Mường Than.
Mặc dù rừng của Than Uyên không có loài cây pơmu, không có tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác, tận thu gỗ pơmu nhưng trên địa bàn huyện vẫn có sản phẩm từ gỗ pơmu, có nguồn từ gỗ thanh lý. Ông Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên lý giải: Những sản phẩm này “có tháng không xác nhận cái nào, có tháng nhiều cũng chỉ xác nhận cho 1 đến 2 sản phẩm, vận chuyển, bán ra thị trường".
Như vậy có thể thấy, lý giải của ông Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên không phản ánh đầy đủ thực tế những gì đang diễn ra tại khu vực tập kết gỗ pơmu ở riêng bản Hố Than và những xưởng gỗ lậu ngay tại xã Mường Than.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần sớm vào cuộc quyết liệt để làm rõ vấn đề này và ngăn chặn triệt để nạn “rút ruột” rừng khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn đã diễn ra từ nhiều năm nay và hiện đang có chiều hướng ngang nhiên, phức tạp hơn.