Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cao su gẫy rạp tại Quảng Nam sau bão Nari
Đổ trắng
Bão số 11 giật đổ bộ rạng sáng 15/10 đã tàn phá khủng khiếp cây cao su của người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam, chỉ tính riêng huyện Hiệp Đức có hơn 30.000 cây cao su bị gãy đổ, người dân trồng coi như mất trắng.
Đang ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam ông Nhường- một người dân trồng cao su tiểu điền cho biết, hiện bão số 11 gây mưa lớn, gió rất mạnh làm nước ngập chưa vào được vườn nhưng thiệt hại bão số 11 gây ra cho cây cao su rất nặng nề, toàn bộ 12ha cao su tiểu điền hơn 2 năm tuổi của gia đình bị gãy đổ rất nhiều. Thiệt hại không đếm hết được.
Theo ông Nhường, với cường độ gió gật cấp 15 đến 16 của bão số 11 thì cây cao su lấy mủ cũng không chịu đựng nổi, nói gì đến cây cao su 2 hoặc 3 năm tuổi. Riêng huyện Hiệp Đức có từ 200 – 300ha do người dân tự trồng, chăm sóc. Đến nay diện tích cao su tiểu điền đến tuổi khai thác mủ rất ít.
Ông Nhường buồn bã nói: “Vì nước dâng cao ngập lụt không qua rẫy cao su được, nhưng đứng ở nhà nhìn qua thấy rẫy cao su gãy đổ trắng rẫy buồn, đau xót vô cùng. Không biết khi nào nước rút xuống mới lội qua rẫy cao su được đây”.
Theo ông Nhường, không những rẫy của ông bị gãy rạp mà hàng loạt rẫy cao su tiểu điền, đại điền ở huyện Hiệp Đức cũng gãy rạp trắng rừng rất đau xót. Đây là lần đầu tiên huyện Hiệp Đức bị thiệt hại cây cao su nặng nề như thế này.
Số lượng cây cao su bị gãy đổ như huyện cho biết khoảng 30.000 cây của hơn 54ha, là chưa đầy đủ, con số này sẽ nhiều hơn sau khi bão tan và người dân vào được rẫy mới kiểm đếm chính xác.
Tại địa bàn huyện Hiệp Đức có diện tích trồng lớn nhất tỉnh lên đến hàng chục nghìn ha thiệt hại không hề nhỏ trong bão số 11 này. Tương tự, cây cao su tiểu điền, đại điền tại các huyện Phước Sơn, Trà My, Núi Thành, Tây Giang… cũng gãy đổ rất nhiều. Hiện người dân và các doanh nghiệp đang chờ bão số 11 qua sẽ đi kiểm đếm cây cao su bị thiệt gãy đổ do gió bão.
Ban chỉ huy PCLB cho biết, gió mạnh như thế này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cây cao su ở các huyện miền núi Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Hiệp Đức. Tính đến sáng nay bão số 11 đã làm gãy rạp 30.000 cây cao su của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trưa ngày 15/10, ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết ở dưới các xã báo cáo lên huyện sáng nay thì bão số 11 đã làm gãy đổ khoảng 30.000 cây cao su. Nhưng đây là con số tính sơ bộ chứ sau bão kiểm kê chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Trao đổi với Báo Đất Việt sáng 15/10, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, đến sáng nay các địa phương có trồng cây cao su vẫn chưa báo cáo cụ thể diện tích cao su bị thiệt hại trong bão số 11. Ông Muộn cho biết, chiều nay sẽ đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương mới biết được con số chính xác về thiệt hại do bão số 11 gây ra.
Được biết, năm 1998, tỉnh Quảng Nam bắt đầu trồng thí điểm 10ha cây cao su con tại huyện Hiệp Đức. Sau đó, cây cao su được mở rộng diện tích trồng tại địa phương này. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã trồng được 14.592ha/gần 50.000ha quy hoạch.
Được biết, tỉnh Quảng Nam đưa hẳn vào nghị quyết Đảng bộ về phát triển trồng gần 50.000ha cây cao su ở 8 huyện.
Trước lợi nhuận cây cao su đem lại khá cao nên người dân Quảng Nam đã đua theo trồng cây cao su tiểu điền với các doanh nghiệp đang trồng cao su đại điền. Thiệt hại do chính cây này đem lại không nhỏ chút nào, kết cục đánh đổi bằng máu lẫn nước mắt.
Nhiều gia đình nông dân trồng cao su ở Quảng Nam trở thành trắng tay sau bão
Cây cao su tại thị trấn Nông trường Việt Trung sau bão
Hàng nghìn héc-ta cao su của nông dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đều trong tình trạng gãy đổ như thế này
2 cú bồi liên tiếp
Trước đó, chỉ sau khoảng 4 tiếng đồng của cơn bão số 10 đã oanh tạc khiến cho hàng chục nghìn héc ta cao su ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình gãy rạp, nhựa trắng chảy ra như mưa.
Hiện tại, tại tỉnh Quảng Bình, chạy dọc đường quốc lộ 1A chỉ thấy toàn cây cao su được người dân trồng sát hai bên đường gãy đổ ngổn ngang, dù bão số 10 đi qua 15 ngày nhưng người dân vẫn chưa thu dọn, sửa soạn lại vườn.
Theo thống kế, tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại với gần 12.000/18.000ha cao su bị gãy đổ với tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.
Thị trấn Nông trường Việt Trung ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được xem là thủ phủ cây cao su ở miền Trung. Theo ghi nhận tại đây, những vườn cao su bạt ngàn, trù phú, xanh tươi đã gãy rạp chỉ trong chốc lát của siêu bão số 10.
Những ngày nay, chị Lê Thị Hồng Thắm (ở Tiểu khu Tiền Phong) chỉ biết ngồi thẫn thờ trong căn nhà nhìn ra vườn cao su rộng 4ha, cho thu hoạch gần 2 năm nay giờ như bãi chiến trường. Chị nói trong nước mắt: “4ha cao su của gia đình đã bão làm cho gãy đổ gần 80%. Trắng tay rồi, nợ nần mất rồi”.
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Bình, đã 11.297 ha cao su đã bị gãy đổ, thiệt hại hoàn toàn và tập trung chủ yếu ở các huyện: Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch.
Riêng 3.000ha cây cao su đang trong thời kỳ khai thác của Công ty TNHH MTV Việt Trung, tỷ lệ cây bị gãy đổ hoàn toàn trên 90%.
Còn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi có diện tích cao su lớn nhất tỉnh Quảng Trị, theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Vĩnh Linh, bão số 10 làm gần 5.000/7.600 ha cao su đang cho khai thac mủ của nông dân bị gãy đổ.
Tương tự, huyện Gio Linh (Quảng Trị) người trồng cao su cũng thiệt hại nặng với gần 1.000 ha tan tành sau bão số 10.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về cây cao su của ngành nông nghiệp, cứ tính thấp nhất, mỗi héc-ta cao su đang khai bị gãy đổ, dân sẽ mất 200 triệu đồng, thì nhân lên ở Vĩnh Linh, cón số thiệt hại của người nông dân còn lớn hơn cả ngân sách của tỉnh thu về trong cả năm 2013.