Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 khiến người Nhật cẩn trọng hơn đối với các dự án điện hạt nhân kể cả trong nước cũng như các hoạt động xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của nước này.
Cũng bởi Fukushima?
Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 từ tháng 9/2011. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, dự kiến được khởi công trong năm 2014 và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Phía Nhật Bản sẽ hợp tác về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tài trợ chi phí cho dự án.
Trước dự án này, đích thân Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định việc Nhật tiến hành xuất khẩu công nghệ hạt nhân là một trong những trụ cột của chiến lược tăng trưởng kinh tế của nước này.
Đồng thời việc hợp tác hạt nhân giữa Nhật Bản - Việt Nam được xem là đỉnh cao trong mối quan hệ hữu nghị có truyền thống giữa 2 quốc gia.
Tuy nhiên, mới đây truyền thông Nhật đã công bố thông tin và đưa ra khả năng thực hiện tiến độ dự án trên sẽ bị chậm do nhiều yếu tố khách quan, mà lý do cơ bản nhất được Tokyo đưa ra là nước này là Nhật đang đang thiếu một cơ quan hệ thống quản lý về vấn đề xuất khẩu công nghệ hạt nhân và xử lý các vấn đề thủ tục liên quan trong trường hợp xảy ra những cuộc khủng hoảng hạt nhân ngoài dự kiến.
Tờ Kyodo News dẫn lời giới chức Nhật Bản thừa nhận sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 nước này đã phải có những sự khắc phục hậu quả hết sức nặng nề, “nhưng đó là vấn đề quốc nội, còn trong việc xuất khẩu ra nước ngoài thì việc khắc phục những hậu quả nếu xảy ra thảm họa sẽ hết sức khó khăn hơn nữa”, trang tin Globalpost.com dẫn nhận định của một quan chức Nhật cho biết.
Cùng với đó, truyền thông Nhật cũng cho rằng, việc xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân được xem là hướng đi mới để thúc đẩy nền kinh tế nước này, đồng thời tăng cường sự hợp tác với các nước có mối quan hệ hữu hảo.
Tuy nhiên Tokyo cũng cần cân nhắc tới những hệ quả. Nếu có được một cơ quan thống nhất quản lý chung đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân thì Nhật có thể hỗ trợ tối đa đối với các quốc gia nhập khẩu loại hàng đặc thù này của Nhật.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới Nhật tiến hành xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân do đó Nhật cần có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Nhật chưa có tiền lệ xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân
Việc thiếu hệ thống quản lý chung đòi hỏi việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân cho Việt Nam cần thêm thời gian và có những sự đánh gia đầy đủ hơn, hiện Việt Nam là quốc gia đầu tiên Nhật tiến hành hợp tác trong lĩnh vực đặc biệt này, nên không thể có sự nóng vội đốt cháy giai đoạn, đại diện quan chức chính phủ Nhật cho biết hôm thứ bảy vừa qua.
Theo quy định trong nước, Chính phủ Nhật đã xác nhận rằng các nước nhập khẩu có quy định an toàn hạt nhân tại chỗ và phù hợp với thông lệ quốc tế trước khi nhà nước hỗ trợ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho vay tiền cho việc xuất khẩu, các quan chức cho biết .
Cùng với đó, cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật khẳng định giờ đây không còn tồn tại “câu chuyện” Nhật phải chịu trách nhiệm về xác nhận sự an toàn của các bộ phận và máy móc phục vụ xuất khẩu, mặc dù Nhật Bản vẫn chưa xuất khẩu một lò phản ứng ở bất cứ đâu trên thế giới.
Trách nhiệm bảo đảm an toàn phải tuân theo quy định của nước sở tại và Nhật chỉ chịu trách nhiệm hỗ trợ.
Nhưng Cơ quan Quy chế hạt nhân , ra mắt vào tháng 9 năm ngoái của Nhật được xem là cơ quan điều tiết hạt nhân mới của nước này lại khẳng định sẽ không tham gia vào các quy trình về an toàn của xuất khẩu hạt nhân.
Cơ quan này cho biết, chưa từng có tiền lệ xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra nước ngoài của Nhật, vì thế cần phải cân nhắc tới những tình huống xấu nhất, “chúng ta không thể không có trách nhiệm liên đới đối với những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai ở một quốc gia khác”, cơ quan này nhận định.
Bên cạnh đó, cơ quan Tài nguyên và năng lượng Nhật cũng khẳng định đang xem xét ý kiến của các chuyên gia xác nhận sự an toàn đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của Nhật.
“Vì thế, sẽ cần thêm thời gian để xác định chính xác khi nào một hệ thống mới bảo đảm an toàn được thành lập đảm nhận quản lý chung các vấn đề liên quan tới xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân”, đại diện cơ quan này cho biết.
Tờ Kyodo News phân tích thêm, dự án hợp tác trên giữa Việt Nam và Nhật Bản dự kiến chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ yên, đây là điều kiện để thúc đẩy thêm nữa nền kinh tế của Nhật, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam khi theo dự kiến Việt Nam sẽ bắt đầu tạo ra năng lượng hạt nhân vào năm 2021.
Nhưng đó là những kế hoạch trên giấy và cần có thêm thời gian để đưa ra quyết định cụ thể khi Chính phủ Nhật khẳng định công nghệ điện hạt nhân an toàn để xuất khẩu.